NHỮNG NGHỊCH LÝ CỦA THỜI GIAN - Trang 26

Chi phí xã hội

Những cao ốc xây “quá phép” tại Thành phố Hồ Chí Minh đang được các
chủ nhà tự nguyện tháo dỡ. Cùng với sự thấp xuống của những ngôi nhà là
sự cao lên của những chi phí phát sinh. Rất nhiều tiền của đã bị tiêu tốn vào
việc xây dựng, rồi lại dỡ bỏ những công trình như vậy. Số tiền của này tạo
nên cái gọi là chi phí xã hội.

Chi phí xã hội là khái niệm dùng để chỉ những chi phí mà người dân phải
bỏ ra để thực thi các quy định của pháp luật. Xét từ góc độ kinh tế, đây là
thước đo rất quan trọng về tính hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
Chi phí xã hội càng bé, thì hiệu quả của hoạt động quản lý càng cao và
ngược lại. Trường hợp các cao ốc bị dỡ bỏ phát đi thông điệp gì về chi phí
xã hội, cũng như hiệu quả quản lý, có lẽ, là điều đã rõ, không nhất thiết phải
nói thẳng ra.

Mọi sự điều chỉnh của pháp luật đều làm phát sinh những chi phí nhất định:
chi phí của nhà nước và chi phí của xã hội. Ví dụ, quy định về việc đội mũ
bảo hiểm xe máy bắt buộc làm phát sinh các chi phí sau đây: Đối với Nhà
nước, đó là chi phí kẻ biển, cắm mốc; chi phí theo dõi, xử phạt, chứng từ xử
phạt... Đối với xã hội, đó là chi phí mua sắm mũ bảo hiểm, chi phí nộp phạt.
Một số trong những chi phí này là rất dễ đoán ra. Ví dụ, hiện nay chúng ta
có 12 triệu xe gắn máy, nếu tất cả mọi người đi xe máy đều phải đội mũ bảo
hiểm, thì tối thiểu chi phí xã hội sẽ vào khoảng:

1. 12 triệu x trên dưới 180 ngàn đồng (giá một chiếc mũ bảo hiểm) = trên
dưới 1.960 tỷ đồng.

2. Chi phí thực tế sẽ cao hơn nhiều vì những người đi xe máy thường đèo
theo người nhà.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.