NHỮNG NGHỊCH LÝ CỦA THỜI GIAN - Trang 28

Chủ nghĩa thân hữu

Doanh nghiệp nhà nước gắn với các cơ quan nhà nước. Sự gắn bó này tạo
ra lợi thế. Ít nhất, đó là khả năng tiếp cận các quan chức dễ dàng hơn, khả
năng đề xuất nguyện vọng và cung cấp thông tin cho lãnh đạo nhanh chóng
hơn. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp nhà nước có cơ hội lớn hơn
để tác động lên các quyết sách của công quyền. Mà đã như vậy, thì không ít
quyết sách được đưa ra sẽ có lợi hơn cho các doanh nghiệp nhà nước. Và
đây là nguyên nhân sâu xa làm cho các quan hệ thị trường bị bóp méo và
một sân chơi không bình đẳng được hình thành. Sự gắn bó này như vậy
tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ.

Tuy nhiên, sự gắn bó giữa các doanh nghiệp tư nhân với các quan chức nhà
nước mới tiềm ẩn những rủi ro lớn hơn rất nhiều. Sự gắn bó này không dựa
trên những định hướng chính trị của đất nước mà trên quan hệ người nhà,
thân quen. Hình thành nên một thứ gọi là chủ nghĩa thân hữu.

Chủ nghĩa thân hữu không chỉ là một kiểu đỡ đầu các công ty người nhà,
mà còn là một phương tiện để hợp thức hóa các tài sản ăn cắp của nhà nước.
Ưu thế lớn nhất của các công ty tư nhân thân hữu là khả năng “lại quả” dễ
dàng. Vì tiền của nhà nước sau khi đã được chuyển cho các công ty tư nhân
thông qua các hợp đồng “cho không, biếu không” (kiểu như các hợp đồng
mua camera và làm các bảng quảng cáo điện tử của các bưu điện tỉnh mà
báo chí đang nêu ra chẳng hạn), sẽ nhanh chóng được biến thành tiền của tư
nhân. Mà đã là tiền của tư nhân thì “em chi thế nào, em cho ai, biếu ai là
quyền của em”. Đây thực ra chỉ là một sự ngụy biện. Về bản chất, “lại quả”
là việc: “các bác giúp em moi được 10 phần tiền của nhà nước, em xin biếu
lại các bác hai phần”. Không bao giờ có thể xảy ra chuyện: “các bác giúp
em moi được 10 phần tiền của cá nhân các bác, em xin biếu lại các bác hai
phần”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.