Năm nhà hay mấy nhà
Để giúp đỡ cho nhà nông tại sao không tập hợp các loại nhà khác
lại? Đó là ý tưởng nằm đằng sau những cố gắng kết hợp nhà nông
với nhà quản lý, nhà khoa học và sau đó là với nhà ngân hàng và
nhà doanh nghiệp. Mô hình năm nhà bắt đầu được nói tới như một
cách làm hay. Tuy nhiên, công bằng mà nói, sau những lần được
các phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ, các nhà nói trên vẫn
đang chủ yếu ai ở nhà người ấy. Có thể, do nhu cầu thực tế ở một
số nơi các nhà này đã được kết hợp lại với nhau. Nhưng trong đa số
các trường hợp, sự cấy ghép nhân tạo đã không tạo ra được một
mô hình cộng sinh lành mạnh.
Trước hết, mối quan hệ được xây dựng trên sự hào hiệp là rất tốt
đẹp, nhưng mối quan hệ được xây dựng trên lợi ích mới thật sự lâu
bền. Giúp cho nhà nông thì hào hiệp, nhưng không lâu bền. Làm ăn
với nhà nông thì không hào hiệp bằng nhưng lâu bền hơn. Trong
bốn nhà kia ai có thể làm ăn được với nhà nông?
Nhà quản lý, có lẽ, là nhà có ít cơ hội nhất. Tuy nhiên, nhà quản lý
phải phục vụ nhà nông theo một cơ chế khác. Đó là chế độ trách
nhiệm. Mọi nhà quản lý thì đều ăn lương từ tiền thuế. Mà thuế là tiền
của dân. Phục vụ những người đóng thuế để nuôi mình, trong đó có
nông dân là lý do tồn tại của công quyền và của nhà quản lý. Tuy
nhiên, toàn bộ rủi ro nằm ở chỗ: không phải nhà quản lý nào cũng
thấy được bản chất giản dị đó của mối quan hệ với dân. Vì vậy, để
nhà quản lý gắn bó chặt chẽ với nhà nông, điều quan trọng là phải
xác lập được chế độ trách nhiệm của nhà này trước dân, hoặc chí ít
là trước cơ quan đại diện cho dân.