NHỮNG NGHỊCH LÝ CỦA THỜI GIAN - Trang 319

Thị trường của người bán

Trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, thị trường là của
người bán; trong nền kinh tế thị trường, thị trường là của người
mua.

Thị trường của người bán là một thị trường luôn luôn thiếu hụt.
Người bán cung cấp hàng hóa theo độc quyền và theo kế hoạch,
chứ không theo nhu cầu của người mua. Do nhiều nhu cầu không
được đáp ứng, đến lượt mình, người mua đã mua tất cả những gì
được phân phối hoặc xếp hàng đến lượt (Biết đâu đến lúc cần lại
không có mà mua). Mặc dù, rất nhiều thứ được mua về là chẳng để
làm gì, ngoài việc biến hàng triệu căn nhà của chúng ta thời đó
thành những chiếc kho nho nhỏ. Những chiếc kho này bao giờ cũng
thừa và bao giờ cũng thiếu. Những thứ thừa chỉ tổ để chật nhà.
Những thứ thiếu thì tìm mua không được. Hậu quả là cả xã hội luôn
luôn ngột ngạt vì khan hiếm. Sự khan hiếm triền miên đã bắt buộc
người mua phải tìm cách lấy lòng người bán và làm cho người bán
trở nên hách dịch và cẩu thả.

Thị trường của người mua là một thị trường mà sự giàu có của
người bán phụ thuộc vào việc bán được hàng cho người mua. Sự
khác biệt nho nhỏ này đã biến người mua trở thành “thượng đế”.
Người bán phải tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu của người mua.
Ngoài ra, để giữ khách hàng của mình, người bán còn phải không
ngừng nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Thái độ đối
xử với người mua cũng trở nên niềm nở hơn. Một sự niềm nở bắt
buộc lâu dần trở thành thói quen và văn hóa kinh doanh. Thị trường
của người mua đang làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ
chịu và tiện nghi hơn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.