Pháp luật về đấu thầu dịch vụ vận tải hoặc không đầy đủ, hoặc không phù
hợp. Nếu giá cả được coi là yếu tố duy nhất để chọn thầu, thì sau khi thắng
thầu, muốn có lãi, bất cứ lái xe nào cũng phải chở quá tải. (Trong khi đó,
pháp luật về đấu thầu của các nước bao giờ cũng coi trọng các yếu tố kỹ
thuật hơn: kỹ thuật thường chiếm đến 90% số điểm; giá cả chỉ chiếm 10%.
Tiết kiệm phí vận tải theo cách làm của ta hiện nay là một kiểu ăn lạm vào
kinh phí xây dựng và bảo dưỡng đường mà thôi. Đây là tình trạng tay phải
không biết tay trái làm gì. Nó sẽ còn tiếp diễn dài dài khi chi phí xã hội
không được xem xét trong quá trình ban hành chính sách và pháp luật). Với
lưu lượng xe tải hiện nay, đang có hằng hà sa số những vi phạm pháp luật
giao thông di chuyển trên đường. Và cảnh sát giao thông có thể “làm luật”
bất cứ xe nào. Các công ty vận tải coi chi phí “làm luật” là một phần tất yếu
của đầu vào. Còn có lãi, họ còn tiếp tục chở quá tải và hối lộ cảnh sát giao
thông.
Hai là, quy phạm của việc “làm luật” trên xa lộ tuy bất thành văn, nhưng rất
mạch lạc và súc tích: “khi lái xe có vi phạm thì phải hối lộ, nếu không sẽ
vừa bị phạt tiền nhiều hơn và vừa bị phiền nhiễu”. Bất kỳ sinh viên năm thứ
nhất nào của trường luật cũng sẽ chỉ ra một cách khá dễ dàng ở đây cả ba
phần cấu thành
mà một quy phạm pháp luật bắt buộc phải có:
1. Sự kiện pháp lý: “khi lái xe có vi phạm”;
2. Hành vi bị điều chỉnh: “phải hối lộ”;
3. Chế tài: “vừa bị phạt tiền nhiều hơn và vừa bị phiền nhiễu”.
Về mặt kỹ thuật pháp lý, các quy phạm của pháp luật thực định ít khi đạt
được cách thể hiện chặt chẽ và sáng tỏ như thế. Điều dễ nhận thấy là chúng
thường được thiết kế hoặc thiếu sự kiện pháp lý, hoặc thiếu cả sự kiện pháp
lý lẫn chế tài. Trong trường hợp này, sự sáng tạo pháp luật chưa xảy ra,