cùng lắm, chúng ta chỉ có được sự ghi nhận chính sách mà thôi. Thực ra,
chính sách là một chuyện, dịch chính sách thành pháp luật lại là một chuyện
khác.
Ba là, đối tượng bị điều chỉnh biết rất rõ về quy phạm. Bằng cách truyền
miệng, cánh lái xe được thông tin một cách rất đầy đủ về thứ “luật” này. Họ
thậm chí còn biết chính xác ở trạm kiểm tra nào phải đưa bao nhiêu tiền
mới xong. Đây là điều chúng ta không thể nói được về hệ thống pháp luật
thực định. Tình trạng chung là cả đối tượng bị điều chỉnh, lẫn quan chức
chịu trách nhiệm bảo đảm việc thực thi đều nắm luật khá lơ mơ.
Bốn là, bộ máy có khả năng áp đặt việc thi hành. Với các trạm gác (kể cả
trạm cân xe) được đặt ra ở dọc mỗi con đường quốc lộ, không một lái xe
nào có thể qua mặt những người “làm luật” được. Đây là khả năng áp dụng
chế tài mà đa số các quy phạm của pháp luật thực định chưa bao giờ có
được.
Trở lại với việc làm luật chính thống. Chúng ta đã có nhiều cố gắng để đổi
mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động lập pháp. Số lượng các văn bản
quy phạm pháp luật được ban hành đã nhiều hơn, chất lượng soạn thảo cũng
đã được cải thiện một bước. Tuy nhiên, hiệu lực thi hành của pháp luật thực
định vẫn chưa cao. Phải chăng, để khắc phục tình trạng này, cả bốn yếu tố
đã biến mãi lộ thành một thứ “luật” có hiệu lực thực tế là điều cần được
quan tâm xem xét khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật?