chắn chúng nó sẽ đặt đại bác ở đó để công phá tường lũy và tìm cách xông
vào.
- Chúng nó sẽ không bao giờ phá vỡ nổi. – Xexey nói.
- Đã đành! – Đôbô đáp và lại tiếp – Sở dĩ ta đã cho triệu một số đông
thợ mộc và thợ nề vào thành là để đêm đêm họ vá chữa lại những chỗ bị
quân Thổ bắn vỡ. Nơi đó sẽ nhiều việc nhất. Và nếu bây giờ chúng ta có
phân chia lực lượng phòng vệ thì cái đó rồi cũng sẽ thay đổi tùy theo mức
độ công phá.
- Xin ngài cứ cắt đặt, thưa đại úy, chúng tôi sẽ tán thành. – Nhiều người
nói to.
- Ta nghĩ là chúng ta hãy chia lực lượng phòng vệ ra làm bốn đội. Một
đội ở cổng chính; đội thứ hai từ chỗ cổng chính đến địch lâu đằng góc; đội
thứ ba ở thành ngoài, đội thứ tư ở mặt bắc, xung quanh pháo đài nhà ngục.
Phù hợp với bốn đội đó, quân dự bị bên trong cũng chia làm bốn. Đại úy
Mectsei đồng nhiệm của ta sẽ chỉ huy số quân dự bị. Trong thời gian bị
công kích, ông ta sẽ phải lo việc thay phiên của quân sĩ, đồng thời chủ trì
việc bảo vệ thành trong.
- Thế còn ở mặt thành phố? – Heghétđuy hỏi.
- Ở đó chúng ta chỉ đặt một số lính canh thôi. Ở bên cổng chỉ hai chục
người cũng đủ. Đó là một cái cổng bộ hành hẹp và quân Thổ cũng không
thể thử sức từ phía ấy được.
Ông lại cầm tờ giấy khác lên:
- Quân số cho các đội ta chia như sau. Ở cổng Cũ, nghĩa là từ cổng
chính đến pháo đài mới, lúc nào cũng phải có một trăm bộ binh. Ở pháo đài
nhà ngục một trăm bốn mươi, với sĩ quan nữa là một trăm bốn mốt. Dọc
pháo đài Sanđô một trăm hai mươi, không phải giữ cổng. Từ đó trở lại chỗ
cổng một trăm linh năm.