của đêm đó. Họ đã có cái thói quen xã hội là một môi trường làm chết họ,
một sức mạnh tàn nhẫn. Và họ nói đến tự do của họ như người ta nói đến sức
khỏe của mình. Một người bị bắt là một người ốm, một người bị kết án là
một người chết.
Đối với một tù nhân giữa bốn bức tường đá chôn vùi mình, không có gì
kinh khủng cho bằng một sự tiết giới lạnh lùng như băng giá, họ gọi ngục tối
là castus (nơi tuyệt dục). Trong chốn sầu thảm đó, đời sống bên ngoài hiện ra
luôn luôn với vẻ tươi tắn nhất của nó. Người tù mang xích sắt ở chân; có lẽ
anh tưởng họ nghĩ đến đôi chân để đi chăng? Không. Họ nghĩ đến đôi chân
để nhảy múa. Vì vậy, khi mà họ cưa được những xích sắt đó, ý nghĩ đầu tiên
của họ là bây giờ họ có thể nhảy múa và họ gọi cái cưa là một bastringue
(điệu vũ ở tửu quán). Một cái tên gọi là một trung tâm, thật là một đồng hóa
sâu sắc. Tên kẻ cướp có hai cái đầu: Một cái đầu suy nghĩ về những hành
động của hắn, cái này điều khiển nó suốt đời, một cái đầu khác ở trên vai nó
ngày chết; hắn gọi cái đầu khuyên bảo nó phạm tội là la sorbonne
đầu đền tội là la tronche.
Khi một người chỉ còn những tã rách trên thân thể và những thói xấu
trong trái tim, khi người đó đã tới chỗ sa đọa cả về vật chất lẫn tinh thần, hai
thứ mà tiếng gueux bao hàm trong hai nghĩa của nó, thì người đó đã chín
mùi để phạm tội. Người đó như con dao đã mài sắc. Con dao đó có hai lưỡi
là quẫn bách và độc ác. Vì vậy mà tiếng lóng không nói “một thằng gueux”
mà nói một thằng réguisé (mài lại). Thế nào là một nhà lao? Một lò than
hồng để hỏa thiêu, một địa ngục. Cho nên người bị tội khổ sai được gọi là
fagot (bó củi). Sau hết, những kẻ gian ác đã cho nhà tù cái tên nào? Tên
trường học. Cả một lý thuyết về tổ chức cải hối có thể do cái từ này gợi ra.
Người ăn trộm cũng có “thịt cho đại bác” của mình có cái chất có thể lấy
trộm, nghĩa là anh, tôi, bất cứ ai đi qua; đó là pantre (Pan: cả mọi người).
Bạn có muốn biết do đâu mà nảy nở những bài hát ở nhà tù, những điệp
khúc mà từ vựng chuyên môn gọi là lirlonfa; Hãy nghe sau đây:
Ở ngục Châtelet của thành phố Paris có một cái hầm dài. Hầm đó xây sâu
dưới đất ngót ba mét, dưới mực nước sông Seine. Hầm không có cửa sổ, cửa
thông hơi, lỗ hở duy nhất là cái cửa ra vào. Con người có thể vào trong đó,
còn không khí thì không. Trần hầm là một cái vòm bằng đá và sàn là ngót ba