nhưng chưa ra vẻ ông lão, cô con gái thì chưa ra vẻ người lớn. Về sau chàng
không để ý đến họ nữa. Còn hai người đó thì hình như không trông thấy
Marius, họ nói chuyện với nhau bình tĩnh, thản nhiên. Cô bé thì cười nói
luôn mồm, ông già ít nói, thỉnh thoảng đăm đăm nhìn cô bé với tất cả lòng
trìu mến khó tả của một người cha.
Theo thói quen, Marius luôn luôn dạo chơi ở lối đi ấy. Không lần nào
chàng không gặp hai cha con ông già.
Sự việc diễn ra thế này.
Marius thường hay đi từ đầu cái lối đi mà ở cuối lối có ghế họ vẫn ngồi.
Anh đi suốt dọc lối đó, qua mặt họ rồi lại quay trở lại cho đến nơi xuất phát
và cứ thế làm lại. Trong mỗi cuộc đi dạo chơi, anh đi đi lại lại như vậy năm
sáu lần và mỗi tuần anh đi dạo năm sáu bận. Nhưng chưa bao giờ anh với họ
trao đổi một lời chào hỏi. Nhân vật ấy và người con gái, mặc dù có vẻ tránh
con mắt mọi người, hoặc giả chính vì thế cũng nên, vẫn được năm sáu sinh
viên tự nhiên chú ý, những sinh viên thỉnh thoảng đi dạo chơi dọc lối Khu
Vườn Ươm, bọn chăm học thì sau buổi lên lớp, bọn khác thì sau cuộc
billard. Courfeyrac ở trong số những anh ham chơi, có quan sát họ một độ,
sau thấy cô bé xấu xí, thì vội vàng và cẩn thận lảng đi. Anh chạy trốn như
người kỵ sĩ, dừng trước đà đao, phóng lại một cái tên chế giễu. Courfeyrac
chú ý cái áo dài đen của cô bé và mái tóc bạc của ông già, nên gọi cô gái là
cô Lanoire và ông già là ông Leblanc;
không ai biết tên họ hai cha con
người ấy, cái tên biếm Lanoire và Leblanc thành ra tên của họ. Bọn sinh viên
bảo nhau: “Ồ! Ông Leblanc đã đến ngồi ghế rồi". Marius cũng thuận mồm
gọi ông già không quen ấy là ông Leblanc.
Chúng tôi cũng theo họ gọi ông Leblanc cho tiện kể.
Hầu như hôm nào cũng vậy, Marius gặp họ vào một giờ bất di dịch ở cái
ghế ấy, suốt năm đầu. Chàng thấy ông già người cũng dễ ưa, nhưng cô bé
mặt mày khó mến.