II
BỀ SÂU CỦA VẤN ĐỀ
Có bạo khởi và có khởi nghĩa. Đó là hai thứ phẫn nộ, một thứ sai lầm,
một thứ chính đáng. Trong các Nhà Nước Dân Chủ, những Nhà Nước duy
nhất có cơ sở công lý, đôi khi một bộ phận tiếm quyền. Lúc đó cái toàn thể
đứng lên và sự yêu sách quyền lợi tất yếu của họ có thể đưa đến việc cầm vũ
khí. Trong mọi vấn đề thuộc chủ quyền tập thể, chiến tranh của toàn thể
chống bộ phận gọi là khởi nghĩa, còn khi bộ phận tấn công toàn thể là bạo
khởi. Điện Tuileries bị tấn công chính đáng hay không chính đáng là tùy vua
đóng ở đó hay Viện Khế Ước. Cũng một khẩu đại bác đó chĩa vào công
chúng mà ngày 10 Tháng Tám là phải, ngày 14 Tháng Hái Nho là trái.
Hình thức thì như nhau, nội dung lại khác nhau. Bọn lính Thụy Sĩ bảo vệ
cái sai, Bonaparte bênh vực cái đúng. Cái gì mà phổ thông đầu phiếu làm
nên, trong tự do và chủ quyền thì đường phố không thể hủy phá. Cũng thế
trong những vấn đề thuần túy văn hóa: Bản năng của đám đông hôm qua
sáng suốt, ngày mai có thể rối loạn. Cuồng nộ chống Terray là chính đáng,
chống Turgot là vô lý. Đập phá máy móc, cướp bóc kho khí cụ, cạy đường
ray, phá hủy bến tàu, những lầm lạc của quần chúng, những bác khước của
nhân dân đối với tiến bộ, Ramus bị học sinh giết hại, Rousseau bị ném đá
xua đuổi khỏi Thụy Sĩ, đó là bạo khởi; Israël chống Moïse, Athénien chống
Phocion, Rome trị Scipion; đó là bạo khởi. Paris tấn công nhà ngục Bastille
là khởi nghĩa. Binh lính chống lại Alexandre, thủy thủ phản đối Christophe
Colomb, cùng là một loại khởi loạn, khởi loạn vô đạo! Vì sao? Là vì
Alexandre với lưỡi gươm đã làm cho Châu Á cái sự nghiệp và Colomb làm
cho Châu Mỹ với chiếc địa bàn. Alexandre cũng như Colomb đã tìm ra một
thế giới. Khi tặng phẩm dâng cho tiến bộ là cả một thế thì khối lượng ánh
sáng của nền văn minh được tăng nhiều đến nỗi một chống đối trung thành
đối với mình. Quần chúng phản nhân dân. Chẳng hạn còn gì lạ lùng hơn
cuộc chống đối dai dẳng và đẫm máu của những người buôn muối lậu, một
vụ nổi loạn kinh niên chính đáng thế mà đến phút quyết định, đến ngày giải
cứu, đến giờ nhân dân chiến thắng, lại ngả về phía vua, trở thành loạn Bảo