V
VẺ ĐỘC ĐÁO CỦA PARIS
Như đã nói trên, hai năm nay Paris đã chứng kiến nhiều cuộc khởi nghĩa.
Trừ những khu phố khởi nghĩa ra thì khu vực còn lại của Paris thường
thường yên tĩnh một cách kỳ quái. Paris làm quen rất nhanh với mọi thứ, mà
đây chỉ là một cuộc bạo khởi. Paris bận nhiều việc quá, hơi đâu mà lo đến
nó. Chỉ những thành phố đồ sộ như Paris mới có những quang cảnh như thế.
Phải có dãy thành trì mênh mông kia mới có thể chứa đựng đồng thời với
cuộc nội chiến, cả một sự bình tĩnh kỳ lạ làm sao: Thường thường, khi cuộc
khởi nghĩa bắt đầu, khi tiếng trống, tiếng kèn gọi lính, tiếng hiệu báo động
vang lên, người chủ hiệu chỉ đủng đỉnh nói:
— Phố Saint Martin lại cãi nhau rồi!
Hay:
— Ngoại ô Saint Martin.
Nhiều khi anh ta nói thêm một cách thản nhiên:
— Cũng ở đâu đấy thôi.
Về sau, khi đó nghe rõ tiếng nổ xé tai và ghê rợn của súng trường bắn lẻ
và bắn hàng loạt, anh ta nói:
— Găng nhỉ? Chà! Găng gớm!
Lát sau, nếu bạo khởi đến gần và lan rộng, anh ta đóng vội cửa hàng, mặc
nhanh bộ binh phục, nghĩa là anh ta lo bảo toàn hàng hóa, còn tính mệnh thì
lại bỏ vào cuộc rủi may.
Người ta bắn nhau ở ngã tư, ở các ngõ hẻm, ở các ngõ cụt, người ta giành
đi cướp lại các chiến lũy, máu đổ, đạn bắn vào các mặt trước nhà như mưa.
Ở trong buồng ngủ có người trúng đạn chết. Xác người ngổn ngang ngoài
đường. Nhưng cách vài phố, trong các tiệm cà phê những hòn billard vẫn
chạm nhau lóc cóc. Những kẻ hiếu kì cười cười, nói nói chỉ cách các phố
đang đánh nhau có vài bước, rạp hát vẫn mở cửa diễn những kịch vui. Xe
ngựa vẫn cứ qua lại, người ta vẫn cứ ra phố ăn hiệu. Đôi khi ngay cả trong
phố đang đánh nhau. Năm 1831, hai bên ngừng bắn để cho một đám cưới đi
qua.