ý kẻ vun rác. Cái chổi cũng có thể có lòng nhân đức. Mụ nhặt giẻ này là một
người nhớ ơn nghĩa. Mụ cười niềm nở với ba mụ gác cổng. Họ nói với nhau
đại khái:
— À này, con mèo của bà vẫn ác đấy chứ?
— Chao ôi! Mèo thì bà biết đấy, là kẻ thù tự nhiên của chó. Chính lũ chó
kêu rên đấy chứ.
— Người ta cũng kêu.
— Nhưng mà họ mèo có bám theo người đâu.
— Cái đó không quan trọng. Chó mới là nguy hiểm. Tôi nhớ có một năm
nào đó, chó sinh ra nhiều quá đến nỗi người ta phải đăng báo. Đó là ở cái
thời mà trong điện Tuileries có những con cừu to lớn kéo cái xe con của vua
Rome. Các bà còn nhớ vua Rome chứ?
— Tôi thì tôi thích Công Tước Bordeaux.
— Tôi à, tôi có biết Louis XVII. Tôi ưa Louis XVII hơn.
— Thịt đắt quá, bà Patagon ạ!
— Chao ôi! Đừng có nói chuyện đó với tôi. Hàng thịt là một điều ghê
tởm. Một điều ghê tởm, ghê tởm. Chỉ mua được xương xẩu thôi.
Mụ nhặt giẻ xen vào:
— Các bà ạ, việc buôn bán chẳng ra sao. Rác rưởi cũng bị phá hoại.
Người ta có vất gì đâu, người ta ăn tuốt.
— Cũng có kẻ nghèo hơn bà đó bà ạ, như mụ Vargoulême.
— À, ừ, đúng đấy, - mụ nhặt giẻ đáp kính cẩn. - Tôi còn có nghề sinh
sống.
Họ nghỉ một lát. Rồi tuân theo cái nhu cầu trưng bày cố hữu của loài
người, mụ kể thêm:
— Buổi sáng về nhà, tôi lọc giẻ, tôi làm cái việc chọc lọn (chắc mụ muốn
nói chọn lọc). Đổ từng đống trong buồng. Tôi bỏ giẻ trong thúng, lõi củ
trong thùng, quần áo trên ngăn tường, len dạ trong tủ, giấy báo trên xó cửa
sổ, cái gì ăn được vào chậu, chai, kính trên bệ sưởi, giầy dép sau cánh cửa ra
vào, và xương xẩu vào dưới giường.
Gavroche dừng lại đằng sau họ, lắng nghe, rồi nói:
— Này các cố, các cố nói chuyện chính trị đấy à?
Cả bốn mụ hùa nhau mắng xả vào mặt nó: