IX
LẠI GẶP BẤT CÔNG
Mãn hạn tù, khi nghe bên tai mấy tiếng lạ lùng: Mày được tự do! Thật là
những phút không ngờ, khó tả đối với Jean Valjean. Một tia sáng chói lòa,
thứ ánh sáng thật sự của người sống đột nhiên chiếu vào tâm hồn anh. Khốn
nỗi, chẳng bao lâu tia sáng ấy lại mờ đi. Ban đầu Jean Valjean quả thực đã
quáng mắt khi nghĩ mình được tự do. Anh tin tưởng một cuộc đời mới.
Nhưng anh lại thấy ngay giá trị của kẻ mang tờ giấy thông hành vàng.
Ngay từ phút đầu ấy đã có bao nỗi chua cay. Anh đã nhẩm tính số tiền để
dành suốt thời gian ở tù thế nào cũng phải đến một trăm bảy mươi mốt
francs. Phải nói cho đúng là tính như thế anh không khấu trừ những ngày
chủ nhật và ngày lễ bắt buộc phải nghỉ, mười chín năm tức phải trừ mất đi
ngót hai mươi bốn quan. Dù sao, số tiền ấy đã bị khấu đi nhiều khoản thu
linh tinh, chỉ còn một trăm linh chín francs mười lăm xu, lúc anh ra tù người
ta đem tính trả cho anh. Anh chẳng hiểu tại sao lại chỉ còn có thế và đinh
ninh là mình bị ngắt ngọn, hay nói toạc ra, bị đánh cắp.
Hôm sau ngày được tha, đến Grasse, anh thấy trước cửa xưởng cất nước
hoa cam người ta đang dỡ những bao hàng to, anh lại xin làm giúp. Việc
đang cần, người ta đồng ý ngay. Anh bắt tay vào việc. Anh thông minh,
người khỏe và lanh lợi, lại làm hết sức nên người chủ ra dáng bằng lòng.
Một người lính sen đầm đi ngang qua, thấy anh đang làm, để ý, dừng lại hỏi
giấy. Xong lại tiếp tục làm việc. Trước đó, anh có hỏi thử đám phu làm như
thế tiền công mỗi ngày được bao nhiêu, họ cho anh biết là ba mươi xu. Tối
đến, anh đến tìm người chủ xưởng để xin lĩnh tiền công vì hôm sau phải lên
đường sớm. Hắn chẳng nói năng gì, xỉa cho anh hai mươi lăm xu. Anh đòi
thêm, hắn bảo: “Mày mà được bấy nhiêu là tốt quá rồi!" Anh nài nữa. Hắn
lườm và bảo: “Liệu không lại vào nhà đá".
Một lần nữa, anh cho mình đã bị đánh cắp. Xã hội, Nhà Nước, bớt tiền
của anh là ăn cắp mẻ to. Bây giờ đến lượt cá nhân ăn cắp của anh từng mẻ
nhỏ. Phóng thích chưa phải là giải thoát và ra tù chứ không ra khỏi hình
phạt.