III
BRUNESEAU
Cống ngầm Paris thời Trung Cổ đã thành truyền kỳ. Hồi thế kỉ XVI, vua
Henri II có tổ chức thử một cuộc thăm dò, nhưng không thành. Theo lời
chứng của Mercier, cách đây chưa đầy trăm năm, người ta bỏ mặc cho vũng
bùn lầy đó tự nó ra sao thì ra.
Paris cổ là như thế, bị bỏ mặc cho tranh chấp, do dự và mò mẫm. Nó đần
độn một thời gian khá lâu. Về sau, Cách Mạng 89 đã cho thấy các thành phố
trở nên thông minh như thế nào. Còn cái thời xa xưa tốt lành thì đầu óc thủ
đô không được vững: Nó không biết tiến hành công việc của nó, về phương
diện tinh thần cũng như vật chất, cũng không biết quét rác rưởi và tệ nạn. Ở
đâu nó cũng thấy có trở ngại, có vấn đề. Chẳng hạn không làm sao đi lại
trong cống ngầm: Không thể thỏa thuận với nhau trong thành phố. Ở trên là
vô tri, ở dưới là vô lộ. Ngôn ngữ rối rắm ở trên, đường hầm rắc rối ở dưới.
Ngục Dédale
Có lúc cống ngầm Paris cũng giở chứng, dâng lên tràn bờ tuồng như con
sông Nil không ai biết tới ấy đột nhiên nổi giận. Có những trận lụt cống rãnh
mới nhục nhã chứ! Có những khi, cái dạ dày của văn minh ấy tiêu hóa kém,
bùn lầy ựa lên cổ họng thành phố và Paris có mùi vị bùn phân. Cống ngầm
giống hối hận, như thế cũng có phần tốt; đó là những cảnh cáo, nhưng bị coi
nhẹ. Thành phố bực tức sao thứ bùn lại to gan đến thế, và không chấp nhận
cho rác rưởi trở về. Phải quét tốt hơn kia.
Cơn lụt năm 1802 hãy còn hiện lại trong ký ức những người Paris tám
mươi tuổi. Bùn tràn ra thành chữ thập ở quảng trường Chiến Thắng, nơi có
tượng Louis XIV; bùn chảy vào phố Saint Honoré, do hai miệng cống ở
quảng trường Champs Élysées, vào phố Saint Florentin do cống ở phố đó,
vào phố Pierre à Poisson do cống Sonnerie, vào phố Popincourt do cống
Chemin Vert, vào phố Roquette do cống phố Lappe; ở ống máng phố
Champs Élysées, lụt bùn dâng cao đến ba mươi lăm phân. Phía Nam, bằng
lối thoát ra sông Seine nhưng đi ngược chiều, bùn tràn vào phố Mazarine,
phố Échaudé và phố Marais. Ở đây, nó dừng lại cách nhà Racine mấy bước,