Sự thành thật của rác rưởi dễ ưa và làm cho tâm hồn ta yên tĩnh. Khi suốt
ngày trên mặt đất đã phải chịu đựng cái vẻ trịnh trọng kiêu kỳ của những lý
do quốc gia, những cam kết, những viễn kiến chính trị, những công bằng xã
hội, những trung thực nghiệp vụ, những khắc khổ của địa vị, những mặt
quan tòa tuyệt đối liêm chính, thì chúng ta thấy nhẹ người khi được đi vào
cống ngầm và thấy thứ bùn nhơ thích đáng của những cái ấy.
Chúng tôi cũng học ở đấy được nhiều. Chúng tôi vừa nói lịch sử đi qua
cống ngầm. Những đêm Saint Barthélemy rỉ rả từng giọt qua kẽ đá. Những
vụ ám sát công cộng nổi tiếng, những cuộc tàn sát chính trị và tôn giáo đi
qua cái hầm ngầm của văn minh đó và đẩy xác chết vào đó. Trước con mắt
của người nghĩ ngợi, tất cả những tay sát nhân lịch sử đều có mặt ở đây,
trong ánh nhờ nhờ gớm ghiếc, chân quỳ, mình mang chiếc tạp dề cắt trong
vải liệm, tay đang lau chùi máu nạn nhân của chúng đổ xuống. Louis XI ở
đấy với Tristan, François I với Duprat, Charles IX với mẹ mình, Richelieu
với Louis XIII; có Louvois, có Letellier, có Hébert và Maillard. Bọn họ đang
cạo đá mong xóa nhòa dấu vết những hành động của họ. Dưới các vòm cuốn
ấy, người ta nghe thấy tiếng chổi của những bóng ma kia. Người ta hít thở xú
khí nặng nề của các tai họa xã hội. Người ta nhìn thấy trong các xó tối những
gợn hồng lấp lánh. Những bàn tay đẫm máu đã rửa trong ngòi nước ghê gớm
chảy ở đây.
Người quan sát xã hội phải vào những vùng tối này. Các vùng đó là bộ
phận của Viện khảo cứu của họ. Triết học là kính hiển vi của tư duy. Tất cả
đều muốn trốn tránh nó, nhưng không gì thoát được. Quanh co là vô ích.
Quanh co thì phơi bày khía cạnh nào của con người? Khía cạnh xấu hổ. Con
mắt chính trực của triết học theo dõi cái ác và không cho nó lẩn vào hư vô.
Nó nhận ra tất, trong cảnh xóa nhòa của những sự vật hủy diệt, và trong cảnh
thu nhỏ dần của những sự vật tan biến. Nó khôi phục hồng bào trên áo rách
và người đàn bà trên mụn vải. Nó dựa trên hố xí mà tái tạo thành phố, trên
bùn lầy mà tái tạo phong tục. Nhìn mảnh vỡ, nó kết luận là lọ cổ hay cái vò.
Từ một dấu móng tay trên giấy da bào, nó nhận ra sự khác biệt giữa phái Do
Thái Judengasse và phái Do Thái Ghetto. Trong những gì tồn lưu, nó tìm ra
cái gì đã tồn tại, cái thiện, cái ác, cái giả, cái chân, dấu máu trong lâu đài, vết
mực nơi hang hốc, giọt mỡ bò ở thanh lâu, những thử thách trải qua, những