II
CỔ SỬ VỀ CỐNG RÃNH
Hãy tưởng tượng Paris được lật lên như một cái nắp thì hệ thống cống
ngầm, từ trên nhìn xuống, sẽ hiện ra ở hai bên bờ sông như một cành cây lớn
ghép vào con sông. Ở hữu ngạn, đường cống cái là thân cành, những cống
con là những chi nhánh và các ngõ là những que, chạc.
Hình ảnh đó chỉ là đại khái và mới đúng nửa chừng bởi vì góc vuông là
góc thông dụng trong loại chi nhánh dưới đất đó lại hiếm có trong thực vật.
Muốn hình dung cái bình diện hình học lạ lùng đó một cách gần gũi hơn thì
nên giả thiết mình được nhìn trên một nền đen tối một loại cổ tự đông
phương kỳ quặc, rối rắm, mà các chữ cái gắn vào nhau lộn xộn và như tình
cờ, khi thì ở hai đầu.
Hầm rác và cống ngầm có vai trò quan trọng ở thời Trung Cổ, ở Hậu Kỳ
Đế quốc và ở cái Đông Phương cổ xưa ấy. Ôn dịch sinh ra từ đó, bạo chúa
chết ở đó. Công chúng kinh sợ những khu vực thối tha, những ổ chết khổng
lồ đó. Hố dòi bọ ở Bénarès làm cho người ta choáng váng không kém hầm
sư tử ở Babylone. Sách thần học Do Thái nói vua Téglath Phalasar viện cái
hầm rác Ninive để nguyền rủa. Jean De Leyde cho cái mặt trăng giả của
mình hiện lên từ cống Munster và kẻ đồng đạo của ông ở Phương Đông là
Mokannâ - nhà tiên tri xứ Khorassan - thì lấy cái mặt trời giả của mình từ
giếng phân Kekhscheb.
Lịch sử loài người phản chiếu trong lịch sử hố rác. Những thềm phơi xác
tội nhân tử hình kể lịch sử La Mã. Cống Paris đã từng là một thực tế ghê
gớm. Nó từng là hầm chôn, cũng đã là hố nấp. Tội ác, trí thông minh, sự
phản kháng xã hội, tự do tín ngưỡng, tư tưởng, trộm cướp, nghĩa là tất những
gì mà luật pháp loài người săn bắt hay đã săn bắt, đều trốn vào hố đó; bọn
giặc vồ thế kỷ mười bốn, bọn ăn cắp đêm thế kỷ mười lăm, tín đồ đạo cải
cách thế kỷ mười sáu, bọn đồng bóng thế kỷ mười bảy, thợ đốt lò thế kỷ
mười tám đều có nấp ở đó. Một trăm năm trước, lưỡi dao găm ban đêm từ đó
vung lên, thằng ăn cắp lâm nguy lánh mình xuống đó; rừng có hang, Paris có
cống. Phường ăn mày nòi coi cống là một phân khu của Khu Phép Màu