Để tháo chất bẩn ra sông, như chúng tôi đã giải thích, dưới thành phố
Paris, có một thành phố Paris khác, thành phố cống rãnh. Thành phố cống
rãnh cũng có phố phường, có ngã tư, có quảng trường, có ngõ hẻm, có đường
sá, có giao lưu, giao lưu của bùn nhơ, duy chỉ thiếu có người.
Không nên tâng bốc cái gì cả, dù là tâng bốc một dân tộc lớn. Ở chỗ nào
cũng được có đủ cả các thứ, thì cũng có đê hèn bên cạnh cao siêu. Trong
Paris có Athénien, thành phố ánh sáng, Tyr, thành phố hùng cường, Sparte,
thành phố khí tiết, Ninive, thành phố màu nhiệm, thì trong Paris cũng có
Lutèce,
thành phố bùn lầy.
Vả chăng, dấu ấn hùng cường của Paris cũng là ở đấy, và cái tầng đáy
khổng lồ của Paris thể hiện trong phạm vi kiến trúc cái mẫu mực kỳ dị trong
lĩnh vực nhân sinh, thể hiện ở một đôi người như Machiavel, Bacon và
Mirabeau: “Cái hùng vĩ hạ tiện". Nếu mắt ta trông xuyên mặt đất thì chúng
ta sẽ nhìn thấy cái thành phố cống rãnh kia giống như một khối san hô vĩ đại.
Thật vậy, một khối san hô cũng không có nhiều ngóc ngách, hành lang hơn
cái ụ đất chu vi sáu dặm làm nền tảng cho thành phố ngày xưa. Chưa nói đến
các mộ địa làm thành một hệ thống nhà hầm riêng, chưa nói đến những ống
dẫn khí thắp chằng chịt, chưa nói đến hệ thống ống dẫn nước bao la đưa
nước đến các giếng máy, chỉ riêng hệ thống cống rãnh cũng đã làm nên hai
mặt lưới khổng lồ ở dưới đất hai bên bờ sông. Đường cống ở đấy chi chít tối
tăm như ở trong mê hồn trận, muốn ra chỉ có thể xuôi theo chiều dốc của nó
mà ra.
Ở đấy, qua sa mù ẩm ướt, xuất hiện con chuột cống, nó như là con đẻ của
thành phố Paris.