thống cống ngầm thành Paris. Đó là cái dấu ấn của thế kỷ mười sáu trên
cống ngầm. Bruneseau còn tìm thấy dấu ấn xây dựng của thế kỷ mười bảy
trong ống Ponceau và ống phố Temple cũ, những ống này được xây vòm
cuốn trong quãng thời gian từ 1600 đến 1650; lại công trình của thế kỷ mười
tám ở đoạn tây máng cái, đoạn này được xây bọc và làm vòm cuốn năm
1740. Hai vòm cuốn này, nhất là vòm sau, vòm xây từ năm 1740, nứt nẻ và
tiều tụy hơn cống bọc vành, xây từ năm 1412. Năm đó cái ngòi nước
Ménilmontant được thăng lên làm cống lớn thành phố Paris, sự thăng quan
tiến chức này, có thể ví với việc một nông dân được cử làm Đệ Nhất Thị
Thần của nhà vua, tỉ như Gros Jean hóa thành Lebel.
Người ta cũng nhận ra đây đó, đặc biệt là ở dưới khu Lâu Đài Tư Pháp,
hình như những hốc của ngục tối xây ngay trong cống. Nơi yên nghỉ
gớm guốc! Một gông cổ còn lòng thòng trong một xà lim như vậy. Đoàn
Bruneseau xây bít cả lại. Họ tìm thấy một số hiện vật kỳ quặc, như bộ xương
của con đười ươi ở Vườn Thực Vật, mất tích năm 1800. Sự mất tích này hẳn
có liên quan đến vụ quỷ hiện nổi tiếng ở phố Bernardins năm cuối thế kỷ
mười tám. Con quỷ tội nghiệp rốt cục đã chết đuối trong cống ngầm.
Dưới hành lang eo dẫn đến vòm Marion, có một cái giỏ nhặt giẻ còn
nguyên vẹn khiến những người biết nghề trầm trồ khen ngợi. Thợ cống quen
tay dần, sục bùn một cách táo bạo và tìm thấy trong bùn vô số vật quý, đồ
trang sức bằng vàng, bạc, kim cương, ngọc thạch, tiền bạc. Giả thử có một
người khổng lồ gạn lọc cái vũng bùn ấy thì chắc hẳn là đã thu trên mặt sàng
của cải của các thế kỷ. Đến điểm phân dòng giữa hai nhánh phố Temple và
phố Sainte Avoye, người ta nhặt được một chiếc mề đay kỳ lạ của đạo Cải
Cách, làm bằng đồng, một mặt khác khắc hình con lợn đội mũ Giáo Chủ,
mặt kia, hình một con sói đội ngọc miện Giáo Hoàng. Sự phát hiện lạ lùng
nhất xảy ra ở miệng Cống Lớn. Ngày xưa, ở đó có một cái cửa song sắt mà
ngày nay chỉ còn bản lề. Ở một trong những bản lề đó, lủng lẳng một tấm tã
bẩn, không rõ hình dạng, có lẽ trôi đến đó nó mắc lại trên bản lề, lềnh bềnh ở
đó cho đến khi rách nát hết. Bruneseau soi đèn xem xét kỹ: Tấm vải làm
bằng thứ vải chéo rất mịn, ở một góc ít bị gặm nhấm, còn thấy rõ cái vành
gia huy thêu, ở trên bảy chữ cái: LAVBESP. Vành đó là một vành mũ Hầu
Tước và bảy chữ đó có nghĩa là Laubespine.