XV
CAMBRONNE
Độc giả Pháp ai cũng muốn được tôn trọng. Cho nên, mặc dù lời ấy là lời
đẹp nhất mà một người Pháp đã nói, cũng không thể lặp lại với họ. Thói
thường không được đặt cái cao siêu vào trong lịch sử. Nhưng chúng tôi xin
được vi phạm điều đó và gánh lấy tất cả trách nhiệm.
Trong hàng ngũ những hộ pháp ấy lại có một khổng lồ, đó là Cambronne.
Nói lời nói kia ra rồi chết. Còn gì lớn hơn! Bởi vì, ông đã muốn thế, thì phải
coi như ông đã chết rồi. Còn mặc dù bị bắn như vãi đạn ông ta cũng không
chết thì đâu phải lỗi tại ông ta. Người thắng trận Waterloo, cố nhiên không
phải là Napoléon bị tan vỡ, cũng không phải là Wellington, vì hồi bốn giờ
Wellington núng thế và đến năm giờ ông tuyệt vọng, cũng không phải
Blücher vì Blücher chẳng đánh chác gì. Người thắng trận Waterloo là
Cambronne.
Đập lại cái sấm sét giết mình bằng lời nói ấy, có nghĩa là chiến thắng. Đó
là đáp lại cuộc đổ vỡ. Đó là nói với số mệnh, đó là đặt nền bệ cho con sư tử
dựng làm kỷ niệm về sau. Đó là câu trả lời cho gió mưa đêm tối, cho bức
tường phản bội của lâu đài Hougomont, cho con đường trũng Ohain, cho sự
chậm trễ của Grouchy, cho sự kịp thời của Blücher. Đó là cười đùa trong cõi
chết, đứng dậy sau khi đã ngã xuống. Đó là dìm trong vài chữ cái liên minh
của Châu Âu, dâng lên cho vua chúa những bồn xia mà họ từng biết. Đó là
đưa cái chữ bẩn nhất trong ngôn ngữ lên thành chữ đẹp nhất bằng cách pha
lẫn vào đó cái tinh thần sấm chớp của nước Pháp. Đó là kết thúc Waterloo
một cách ngạo mạn bằng một giây phàm tục, bổ sung cho Léonidas bằng
Rabelais, tóm tắt chiến thắng này trong một lời cuối cùng khó nói. Đó là mất
đất đai nhưng giữ được lịch sử, là sau cuộc chém giết kinh khủng lại tranh
thủ được những kẻ biết cười. Thật là vô cùng vĩ đại!
Nó ngạo mạn với cả sấm sét, nó có tầm hùng tráng như bi kịch Eschyle.
Câu nói của Cambronne có tác dụng làm gãy xương. Đó là cú đấm khinh bỉ
làm gãy xương ngực. Chết đến nơi nhưng ức quá nên mới nổ ra lời. Kẻ nào
đã thắng? Có phải Wellington không? Không. Bởi vì không có Blücher thì