ông ta đã thua. Có phải Blücher không? Cũng không. Không có công
Wellington trước đó thì Blücher cũng chẳng làm được trò trống gì. Anh
chàng Cambronne kia chỉ là một kẻ độc hành giờ chót, một người lính vô
danh, một hạt bụi trong cuộc chiến. Anh cảm thấy ở đây có cái gì dối trá, mà
dối trá trong một cuộc đổ vỡ ghê gớm như thế kia thì bi đát thành hai. Thế
mà đến khi anh đã sôi sục phẫn uất thì kẻ kia lại dám bảo anh bám lấy cái
sống vô nghĩa! Hỏi ai không nổi khùng?
Tất cả vua chúa của Châu Âu, tất cả tướng lĩnh may mắn, tất cả những kẻ
làm mưa làm gió trong thiên hạ đều có mặt. Mười vạn binh lính thắng trận
và theo gót mười vạn ấy là trăm vạn khác, súng chĩa ra đằng trước, đạn lên
nòng, sẵn sàng, dữ tợn. Chúng đã giẫm lên đoàn quân cận vệ và đại quân của
Napoléon và đè bẹp ông ta. Chỉ còn sót có mỗi một Cambronne. Chỉ còn mỗi
một con giun quèn này để phản kháng. Và nó đã phản kháng thật. Anh tìm
chữ nghĩa như người ta tìm một lưỡi gươm. Và anh đã tìm thấy nó trong bọt
bèo, bọt bèo chính là nó. Đứng trước trận chiến thắng lạ thường mà tầm
thường, trận thắng không có người thắng này, con người tuyệt vọng kia đã
vùng dậy. Anh bị cái to lớn của nó nghiền nát, nhưng anh vẫn thấy nó là vô
nghĩa. Có nhổ vào mặt nó cũng chưa đủ. Dưới sự bức bách của số đông sức
mạnh và của vật chất, anh tìm thấy cho tinh thần mình một tiếng nói, thứ bẩn
thỉu nhất để bày tỏ thái độ mình. Xin nói lại điều này: Nói được như thế, làm
được như thế, tìm được như thế, tức là chiến thắng.
Những sự kiện hệ thống trong đời thường có tinh thần riêng của nó. Tinh
thần ấy đã nhập vào con người vô danh này trong giây phút khủng khiếp kia.
Cambronne đã tìm ra lời nói của mình về Waterloo cũng như Rouget De
l’Isle đã tìm ra được bài La Marseillaise, đó là nhờ có ngọn gió thiêng liêng
thổi xuống. Một làn gió từ khối bão tố của trời cao, thổi qua những tâm hồn
này, làm họ rùng mình, kẻ thì hát lên bài hát tuyệt vời, người thì ném ra tiếng
thét dữ dội. Lời khinh bỉ mênh mông ấy Cambronne không phải chỉ nhân
danh Đế Chế mà văng vào Châu Âu, vì như thế còn ít; ông còn vì Cách
Mạng văng vào quá khứ. Người ta đã nghe thấy lời nói ấy và người ta đã
nhận thấy tinh thần các nhân vật khổng lồ ngày xưa như nhập vào con người
ấy. Có cảm tưởng như đó là Danton đang nói hoặc Kléber đang gầm.
Tiếp theo tiếng thét của Cambronne, giọng người bên Anh đáp: “Bắn!”