Nhân đây cũng phải nói là những chuyện đem con bỏ chợ ấy, chế độ
Quân Chủ cũ không ngăn cấm. Một ít cái cảnh “xã hội Ai Cập” hay
“Bohême” ấy, trong những cái tầng lớp dưới của xã hội cũng là điều kiện
tiện lợi cho tầng lớp trên và “được việc” cho nhà quyền thế. Thù ghét việc
cho con em nhân dân đi học vẫn là một giáo điều kinh viện. “Hay chữ lỏng”
thì ích lợi gì? Đó là khẩu hiệu. Mà đứa trẻ lang thang là kết quả tất nhiên của
đứa trẻ ngu dốt. Vả lại triều đình một đôi khi cần trẻ con, lúc ấy họ cho đi
hốt trẻ của Paris.
Dưới triều vua Louis XIV - để khỏi phải đi ngược thời gian xa hơn - nhà
vua muốn lập một đội hải thuyền. Việc ấy chính đáng, ý kiến tốt. Nhưng hãy
xét xem biện pháp thế nào? Không thể có hải thuyền, nếu bên cạnh thuyền
buồm mà gió muốn đưa đi đâu thì đưa và để khi cần kéo những thuyền buồn
này không có những con thuyền muốn đi đâu cũng được, hoặc bằng mái
chèo, hoặc bằng hơi nước. Những thuyền có người chèo
trong hải quân
lúc bấy giờ, cũng như bây giờ những tàu thủy chạy bằng hơi nước. Vậy thì
phải có những galères, những thuyền galères chỉ có thể đi lại khi có những
người galérien. Vậy thì phải có những galérien. Thủ Tướng Colbert ra lệnh
cho các quan đầu tỉnh và các tòa án địa phương kết án khổ sai càng nhiều
người càng hay. Và các vị thẩm phán đã hết sức tích cực trong việc này. Một
người không ngả mũ khi một đám rước thánh đi qua, thế là có thái độ “tín đồ
cải cách” phải đi tù khổ sai. Gặp một đứa trẻ ngoài đường phố, miễn nó 15
tuổi rồi và không có chỗ ngủ, thế là cho đi khổ sai. Triều đại lớn! Thế kỷ
lớn!
Dưới triều vua Louis XV, không còn bóng trẻ con ở Paris, cảnh sát hốt
chúng đi, không biết để làm chuyện bí mật gì. Người ta thì thầm một cách
kinh hãi, những ước đoán quái gở về cái nước tắm đỏ của nhà vua. Barbier
kể những chuyện đó một cách tự nhiên. Có trường hợp bọn cảnh sát không
tìm đủ trẻ em vô thừa nhận, bắt cả trẻ em có bố. Bố chúng thất vọng, xông
vào đánh cảnh sát. Trong trường hợp ấy tòa án can thiệp và bắt treo cổ. Treo
cổ ai? Bọn bắt người à? Không, những người bố nọ.