NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ - Trang 684

VI

MỘT ÍT LỊCH SỬ

Vào thời ấy, cũng sát vào thời kỳ này rồi, thời xảy ra câu chuyện kể trong

bộ sách này, chưa có như bây giờ một viên cảnh sát của thành phố ở một góc

đường (chưa phải lúc nên bàn hơn thiệt về sự tốt đẹp này). Những trẻ con

lang thang đầy cả Paris. Thống kê bấy giờ cho một con số trung bình là 260

trẻ không nhà cửa, nhặt được mỗi năm trong các cuộc đi tuần của cảnh sát

trong các khu đất hoang, trong những ngôi nhà đang xây dựng và dưới gầm

cầu. Một trong những cái tổ ấy đã trở thành nối tiếng, đã sản sinh ra “những

con chim én cầu Arcole”. Chuyện đó là một triệu chứng xã hội tai hại nhất.

Tội ác của người lớn bắt đầu từ cuộc sống lang thang của trẻ nhỏ.

Tuy vậy phải loại trừ Paris. Trong một chừng mực tương đối và mặc dầu

thực tế cũ chúng tôi vừa nhắc lại, việc loại trừ ấy rất xác đáng. Trong khi ở

bất cứ một thành phố lớn nào khác, một đứa trẻ lang thang sẽ là một người

lớn hư hỏng, trong khi ở hầu hết khắp nơi, một đứa trẻ không ai chăm sóc

như là đã dành sẵn và giao phó cho những tật xấu thói hư của xã hội nhấn

chìm như có định mệnh, làm tiêu tan cả tính lương thiện và lương tri, thì trái

lại thằng nhóc của Paris - ta hãy nhấn mạnh vào điểm này - dù xù xì và sứt

mẻ rất nhiều ngoài da, bên trong vẫn còn nguyên bản chất. Một điều cao đẹp

đáng nhìn, hiện rõ tính thanh niên sáng ngời trong các cuộc Cách Mạng quần

chúng, đó là cái tính ngay thật không mua chuộc được, xuất phát từ ý niệm

tiềm tàng trong bầu không khí của Paris, như muối tiềm tàng trong nước bể.

Hít thở Paris là giữ gìn tâm hồn trong sạch.

Điểm chúng tôi nói trên đây không tránh cho chúng tôi khỏi se lòng mỗi

khi gặp một trẻ nhỏ mà xung quanh người như thấy bay lơ lửng những sợi

chỉ gia đình đã bị dứt đứt. Trong nền văn minh hiện đại - hãy còn xa mới

hoàn chỉnh này - những gia đình đổ vỡ, tiêu tan trong bóng tối không phải là

hiếm có, bất thường, những gia đình không còn biết con cái mình đã ra sao,

những gia đình đã bỏ vãi ruột rà của mình trên đường phố. Do đó mà có

những số phận con người mờ mịt. Cái đó đã được mệnh danh - cái thực tế

đáng buồn ấy đã đi vào ngôn ngữ - là “bị vứt ra mặt đường Paris”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.