VII
BẦY “NHÓC CON” CÓ THỂ CÓ VỊ TRÍ TRONG
BẢNG PHÂN LOẠI TẦNG LỚP XÃ HỘI Ở ẤN ĐỘ
Loại nhóc con của Paris hình như là một tầng lớp xã hội. Người ta có thể
nói: Không phải dễ ai cũng được ở trong các tầng lớp ấy.
Từ “nhóc con” (gamin) được in trên sách lần đầu tiên và từ ngôn ngữ
bình dân bước vào ngôn ngữ văn học năm 1834. Chính trong một quyển sách
nhỏ nhan đề là “Claude, Anh Nghèo Kiết”
mà danh từ đó xuất hiện. Việc
đó làm nhiều người bất bình nhưng danh từ đó đã lọt.
Những yếu tố của sự quý trọng trong giới nhóc con rất đa dạng, phong
phú. Chúng tôi đã biết và quen một chú nhóc con rất được kính trọng và
khâm phục vì chú này đã được trông thấy một người ngã từ trên tháp của nhà
thờ Đức Bà xuống; một chú nữa vì đã lẻn được vào sân sau của điện
Invalides, nơi mà các bức tường của vòm điện được cất tạm và đã “thó” một
ít chì của các tượng đó; một chú thứ ba vì đã trông thấy một chiếc xe hòm
chở khách đổ, một chú nữa vì chú này “thân” với một anh lính đã tí nữa chọc
thủng mặt một gã tư sản.
Vì thế cho nên ta hiểu được câu than thở này của một chú nhóc con Paris,
một lời tổng kết sâu sắc khiến người tầm thường cười mà chẳng hiểu gì:
“Trời ơi trời! Số mình đen đủi thay! Mình chưa được trông thấy một gã nào
ngã từ gác năm xuống hè mới khổ chứ!”
Câu nói sau này hẳn là một câu nói ý vị của nông dân: “Này ông kia! Bà
nhà ông chết vì bệnh, sao ông không đi mời thầy thuốc cho bà ấy? “Chao ôi!
Thưa ngài, những kẻ nghèo chúng tôi chết một mình được”. Nhưng nếu tất
cả bẩm tính thụ động và nhạo báng của nông dân nằm trong câu nói kia thì
chắc chắn tất cả cái tự do tư tưởng, vô Chính Phủ của chú bé ngoại ô lại ở
trong câu nói này: Một tử tù trên chiếc xe đưa hắn ra pháp trường đang lắng
nghe cha giải tội. Chú bé Paris kêu to: “Hắn nói với cha cố của hắn đấy, ôi
thằng cáy”. Về mặt tín ngưỡng thì thái độ táo bạo làm tăng giá trị của chú
“nhóc con”. Không tín ngưỡng rất là quan trọng.