Ở đây, người ta hoan nghênh một cách huyên náo và vui mừng những bài
hát thô tục, trong đó Napoléon được gọi tên là Nicolas. Cả những bà Công
Tước tế nhị nhất và xinh đẹp nhất đời cũng say sưa hát những khúc hát đây,
tặng cho phái Liên Hiệp:
«Hãy nhét vào trong quần
Mẩu chemise thòng lõng
Để người đừng kêu ầm:
Đó là lá cờ trắng
Mà bọn “yêu nước” giương.»
Người ta thú vị với những trò chơi chữ lộn mà họ cho là ghê gớm, những
cách chơi chữ ngây thơ mà họ coi là rất thâm độc, họ soạn những đoạn thơ tứ
tuyệt, cả những cặp thơ đôi, thí dụ cặp thơ đôi về nội các Dessolles, một nội
các ôn hòa có các ông Decazes và Deserre tham gia:
«Để củng cố ngai vàng lung lay gớm ghê
Phải thay cả xoong, thay cả ca, thay cả xe.»
Hoặc người ta xếp đặt cả một danh sách các đại biểu của Viện Nguyên
Lão “một viện tả khuynh kinh khủng” và người ta ghép những tên để làm
sao có những câu thế này chẳng hạn: “Damas, Sabran, Gouvion Saint Cyr”.
Họ làm thế một cách vui nhộn.
Trong cái môi trường ấy, người ta nhại giễu Cách Mạng. Họ có mưu mô
như muốn mài cho nhọn những căm phẫn sẵn có trong nhân dân theo chiều
ngược lại. Họ hát cái điệu hát: “Mọi Việc Rồi Sẽ Tốt”:
«Ờ, mọi việc, mọi việc rồi sẽ tốt!
Bọn Buonapartist sẽ bị treo cổ trên cột.»
Những bài hát cũng như máy chém. Hôm nay nó chặt cái đầu này, ngày
mai nó chặt cái đầu kia, thản nhiên như thường, chỉ như một đổi thay chi tiết.
Trong vụ án Fualdès, thời kỳ ấy, năm 1816, người ta bênh vực Bastide và
Jausion, bởi vì Fualdès là Buonapartist. Và người ta gọi những người theo xu
hướng tự do là bọn anh em bằng hữu; lúc bấy giờ, đó là cách chửi thậm tệ