IV
BUỒNG TRONG CỦA TIỆM CÀ PHÊ MUSAIN
Một trong những buổi tranh luận giữa những người thanh niên ấy mà
Marius vẫn dự, có khi cũng có ý kiến, đã tác động rất mạnh đến tinh thần
anh.
Buổi tranh luận ấy cũng ở buồng trong tiệm cà phê Musain. Nhóm bạn
của ABC hôm đó có mặt gần đông đủ cả. Ngọn đèn dầu thắp sáng trưng. Họ
nói chuyện này, chuyện khác, ồn ào nhưng không say sưa. Trừ Enjolras và
Marius yên lặng, mỗi người đều có ít nhiều diễn thuyết vu vơ. Những cuộc
nói chuyện giữa đồng chí thường có những lúc ồn ào vô hại như vậy. Tranh
luận mà cũng như trò đùa lộn xộn thôi. Người ta tranh cãi, người nói đi, kẻ
nói lại bốn phía. Không có người phụ nữ nào được vào trong gian buồng ấy,
trừ Louison, chị rửa bát trong tiệm, thỉnh thoảng đi qua buồng từ chỗ rửa bát
sang nhà bếp.
Grantaire say mềm ba hoa làm ồn cả một góc buồng. Anh nói phải, anh
nói trái ầm ĩ. Anh thét:
— Ta khát, hỡi những người trần gian, ta nằm mơ thấy cái thùng rượu.
Heidelberg bị ứ máu não lăn ra và ta là một trong mười hai con đỉa để chích
máu hắn. Ta muốn uống. Ta muốn quên cuộc đời. Đời là một chuyện bịa đặt
ghê tởm, ai đã đặt bày nó ra. Chẳng được bao lâu, chẳng quý giá gì. Sống
cho được phải bươu đầu sứt trán. Đời là một bức phông, không có được mấy
cảnh có thật. Hạnh phúc là một cái khung tranh cổ lỗ sơn có một mặt.
Ecclésiaste
nói: “Tất cả là phù phiếm!”. Ta cũng nghĩ như ông lão này,
cái ông lão có lẽ không có thực bao giờ. Con số không, vì không muốn trần
truồng, đã khoác cái áo phù phiếm. Ôi! Phù phiếm! Người khoác cho tất cả
mọi vật những tiếng thật kêu. Cái xó bếp gọi là một phòng thí nghiệm, gã
múa may là một giáo sư, một anh chàng làm xiếc góc chợ là một huấn luyện
viên thể dục, một anh đấm bậy là một nhà quyền thuật, một anh bán thuốc là
nhà hóa học, một anh cắt tóc là một nghệ sĩ, một anh xúc bùn là một kiến
trúc sư, một thằng jockey là một nhà thể thao, một con mọt đất là một con
thanh long trùng. Phù phiếm có mặt trái, mặt phải; mặt trái thì ngu, đó là anh