cho nên anh tưởng như còn hỗn loạn. Khi cắt đứt với ông và theo chính kiến
cha, anh cho rằng tư tưởng của anh đã có một cơ sở vững chắc; bây giờ thì
anh ngờ ngợ rằng anh chưa nắm được gì, anh lo lắng và không dám tự thú
nhận như vậy. Góc độ anh đứng để nhìn sự vật lại bắt đầu di chuyển. Những
chân trời tư tưởng của anh hình như nghiêng ngã, thật là một cuộc xáo trộn
lạ lùng. Anh thấy trong lòng gần như đau khổ.
Đối với những người thanh niên ấy, hình như không có cái gì mà họ cho
là “đã cố định”. Về bất cứ vấn đề nào anh cũng nghe thấy những câu nói lạ
lùng anh chưa nghe quen nên lấy làm khó chịu.
Một tờ quảng cáo rạp hát rao một vở bi kịch cổ điển, Bahorel kêu lên:
— Đả đảo thứ bi kịch cổ điển thích thú của bọn tư sản.
Nhưng Marius lại thấy Combeferre nói:
— Anh lầm rồi! Bahorel ạ. Bọn tư sản thích kịch cổ điển thì mặc họ thích.
Bi kịch cổ điển với những nhân vật mang tóc giả cũng có lý do tồn tại của
nó, tôi không phải vì Eschyle mà phủ nhận nó. Trong giới tự nhiên có những
giống chưa hoàn thành, những mẫu hình bắt chước; một cái mỏ không ra cái
mỏ, cánh không ra cánh, vây chẳng ra vây, chân chẳng ra chân, với tiếng kêu
thảm thiết làm cho người ta phì cười, con vịt đấy. Bên cạnh chim có gà vịt,
thì tại sao không có bi kịch cổ điển bên cạnh bi kịch cổ điển.
Cũng có hôm tình cờ, Marius qua phố Jean Jacques Rousseau cùng với
Enjolras và Courfeyrac. Courfeyrac nắm cánh tay Marius bảo:
— Chú ý, đây là phố Plâtrière, nay cải tên là phố Jean Jacques Rousseau
vì khoảng sáu mươi năm trước đây có một cái gia đình kỳ dị đã ở phố này.
Cái gia đình Jean Jacques và Thérèse. Thỉnh thoảng gia đình ấy sinh con:
Thérèse thì cho ra đời, còn Jean Jacques thì cho vào cô nhi viện.
Nhưng Enjolras cự Courfeyrac:
— Không được nói gì đến Jean Jacques. Con người ấy đáng phục. Ông ta
bỏ con mình, phải, nhưng ông đã nhận nhân dân làm con.
Không một ai trong nhóm thanh niên ấy nói tiếng Hoàng Đế. Chỉ có Jean
Prouvaire thỉnh thoảng gọi Napoléon; mọi người khác đều gọi Bonaparte.
Enjolras gọi: Buonaparte.
Marius có phần ngạc nhiên. Bước đầu của sự hiểu biết.