III
NHỮNG SỰ NGẠC NHIÊN CỦA MARIUS
Qua vài ngày thôi, Marius trở thành bạn thân của Courfeyrac. Thanh niên
là cái tuổi dễ thân và những vết thương mau hàn gắn. Ở với Courfeyrac,
Marius thấy thoải mái, trước nay anh chưa hề thấy dễ chịu như vậy.
Courfeyrac không hỏi gì Marius. Anh thấy không cần thiết hỏi gì. Đối với
thanh niên cứ nhìn mặt nhau là hiểu cả. Không cần nói. Thậm chí có người
bộc lộ tất cả trên vẻ mặt. Trông nhau là hiểu nhau rồi.
Tuy vậy, một buổi sáng Courfeyrac đột ngột hỏi Marius:
— À! Chính kiến của anh thế nào?
Marius hầu như có lấy làm phật ý.
Courfeyrac hỏi lại:
— Anh là gì?
— Dân chủ Bonaparte.
Courfeyrac bảo:
— Thế ra là màu xam xám của con chuột vừa hết sợ.
Ngày hôm sau Courfeyrac dẫn Marius đến tiệm cà phê Musain và anh
mỉm cười nói thầm với Marius: “Tôi phải giới thiệu anh với Cách Mạng”, và
Courfeyrac đưa Marius vào gian buồng nhóm bạn của ABC. Anh giới thiệu
Marius với các đồng chí khác bằng một tiếng giản dị nói khe khẽ mà Marius
không hiểu: Một học trò.
Marius rơi vào một cái tổ ong trí tuệ. Tuy tính ít nói và trầm tĩnh, anh
cũng không phải tay vừa. Xưa nay sống cô đơn, Marius đã có thói quen suy
nghĩ một mình, chỉ thích mình nói riêng với mình, vì vậy anh cũng e ngại rụt
rè trước đám thanh niên mau mồm mau miệng này. Những cái mới lạ khác ở
họ lôi kéo anh và cũng làm anh day dứt. Tất cả những khối óc phóng khoáng
và luôn luôn hoạt động ấy làm cho ý nghĩ của anh quay cuồng; nhiều khi
trong rối loạn, nó bay khá xa anh, phải khó nhọc lắm mới tìm lại được mối;
có khi anh không nhớ lại được mình nghĩ gì nữa. Họ bàn luận với nhau về
triết lý, văn chương, nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng một cách rất bất ngờ,
anh thoáng thấy những khía cạnh lạ lùng, anh không sắp xếp những cái đó