Công bằng mà nói, làng Hạ là một làng vốn có truyền thống văn vật. Cái
làng nhỏ hơn năm nghìn dân này đã có một thời khá dài từng tự hào được
đóng góp vào danh sách những người kiệt hiệt khắc chìm trong bia đá ở
Văn Miếu hai vị tiến sĩ thời Lê trung hưng và thời Mạc. Thời chống Pháp,
rồi thời chống Mĩ, làng Hạ cũng có hai người làm đến chức đại tá. Ông đại
tá Trần Bưu, người có khả năng lên tướng, bị hi sinh ở cửa ngõ Xuân Lộc
năm 1975. Ông đại tá Lê Cao Đoàn nghỉ hưu năm tám nhăm, hiện đang
tham gia trong tổ trồng thuốc nam của xã. Về đường văn chương, cử
nghiệp, so với hai ông tiến sĩ thời Lê-Mạc, người làng Hạ bây giờ cũng
không phải xoàng. Kĩ sư, bác sĩ, giáo viên cấp ba, kể có tới con số trăm.
Nhưng đáng chú ý là hai ông phó tiến sĩ và một nhà văn. Hai ông phó tiến
sĩ, tên tuổi cũng không có gì ghê gớm lắm, nhưng kể ra cũng là người có
danh của làng Hạ. Các ông ấy đều nghèo, chuyến đi nước ngoài tu nghiệp
cách đây đã hơn chục năm, nên gia tài bây giờ chỉ còn vài quyển sách, vì
thế, từ lâu rồi các ông ấy không còn là thần tượng của thanh niên làng Hạ
nữa. Đáng nói một chút có ông nhà văn, nguyên là một giáo viên tình
nguyện lên xây dựng kinh tế văn hoá miền núi từ năm sáu hai. Kể cũng lạ,
người làng Hạ chẳng ai nghĩ rằng ông Lê Văn Trí lại có thể là một nhà văn.
Bởi từ ngày ông chuyển công tác từ miền núi về một nhà xuất bản ở Hà
Nội, vẫn thấy hàng ngày ông đi chiếc xe đạp cà khổ về làng. Vợ ông làm
ruộng. Mấy đứa con học hành cũng chẳng có gì xuất sắc. Căn nhà ba gian
xây bằng gạch xỉ tự đóng lấy so với mọi nhà trong làng cũng chẳng khác
nào so sánh cái bếp với mấy gian nhà trên. Nhà văn Lê Văn Trí hình như đã
viết từ cái hồi ông lên dạy học ở miền núi. Nhưng cả làng Hạ không ai để ý,
vì ông lấy một cái bút danh thật lạ: Lữ Hành. Cho đến cuốn tiểu thuyết mới
nhất của ông gần đây được đài truyền hình Trung ương dựng, chiếu trên ti
vi, thì người làng Hạ mới bổ chửng, bàn tán xôn xao về nhà văn Lữ Hành
của làng mình. Nhưng rồi sự ngưỡng mộ cũng chỉ được hơn tuần. Nói đúng
ra thì người làng thất vọng, có người còn thương hại vì nhà văn Lữ Hành
của họ suốt đêm trong đèn ngồi viết mà nhuận bút cuốn tiểu thuyết được
dựng thành phim cũng không đủ mua một chiếc xe đạp tầm tầm để thay cái
xe đạp tàng hàng ngày ông vẫn kẽo kẹt đạp đến nhà xuất bản. Người làng