đánh một trận đến một tuần sau còn sờ thấy con trạch lằn khắp mông. Cây
hồng xiêm bây giờ đã có dáng cổ thụ, cành lá xùm xoà khắp giếng. Còn
Lộc thì đã hai nhăm tuổi. Có lẽ nó không bao giờ còn nhớ cái trận đòn
mình bị oan hôm ấy. Nó đi tàu từ Nam ra Bắc, mải mê kiếm tiền, mua sắm
ăn diện, tích góp làm vốn riêng. Nó sẵn sàng xúc phạm và coi rẻ cả người
anh của nó… Kỉ niệm xưa làm Phú tê tái. Bất giác anh đưa tay sờ ngang
lưng và cảm giác như vừa đụng phải những lằn trạch bố đánh năm nào.
- Kìa, anh vẫn không nghe thấy em nói gì ư? - Lộc ngồi xuống giặt tiếp,
nhưng vẫn ngoái đầu vào trong nhà, giọng kéo dài ra chua loét như mẻ. -
Cả đêm qua em thấy mùi hôi nách. Khiếp. Anh tha cái của nợ ấy về nhà mà
không xấu hổ. Bạn em chúng nó kháo ầm làng. Hình như cô ấy đã có một
đời chồng rồi phải không? Tưởng ông anh kén chọn thế nào, chứ gái nông
trường, giường bệnh viện thì đêm qua em mới được biết là một. Không tin
thì anh ra mà xem này. Cái gối sát đến hết bánh xà phòng mà vẫn nhầy
nhẫy đến tởm…
Bốp. Phú từ trong nhà lao ra, giơ thẳng tay nhằm vào bộ mặt cong cớn
của cô em gái.
- Mày câm ngay cái mồm. Tao không cho phép mày có quyền xúc phạm
đến cô ấy.
Lộc lu loa:
- Giời đất ơi. Anh là cái giống dã man. Tôi nói thế đã có gì xúc phạm đến
ai cơ chứ?
Chưa bao giờ Phú thấy cô em gái mình ngoa ngoắt nanh nọc đến thế. Cái
chất chợ búa, hàng tôm hàng cá xưa nay anh chưa bao giờ thấy ở Lộc.
Ngày ở tuổi thiếu nữ, Lộc đâu có nói năng như thế. Tiếng là một vùng
ngoại thành, không xa trung tâm thành phố, nhưng người làng Hạ vẫn còn
đậm chất thôn quê dân dã. Tính Lộc lém lỉnh, chanh chua hơn những cô gái
làng cùng lứa tuổi, nhưng bao giờ cô cũng được sự chừng mực, biết điều.
Bốn năm làm nhân viên phục vụ trên tàu, quả tình Lộc đã biến đổi tới mức
Phú không còn nhận ra cái chất nông thôn ở cô nữa. Lộc tập kẻ lông mày,