Phú xoa đầu bọn trẻ rồi xách chiếc túi vải bước đi. Không còn phải mang
nặng nữa mà sao cả người anh như vẫn muốn trĩu xuống.
*
Lộc đón Phú ở nhà bằng một vẻ chẳng có chút thiện cảm gì.
- Anh Phú. Em nói cho anh biết nhé, cái phòng của em không phải là cái
nhà thổ.
Hai tay, từ khuỷ đến bàn trắng lốp bọt xà phòng, quần sắn quá đầu gối,
Lộc đứng xoãi chân, ném về phía Phú những tiếng đanh chói, gắt gỏng.
Một chậu lớn chăn màn cũng trắng lốp bọt xà phòng cao có ngọn. Cạnh đó,
dựa bên thành giếng là chiếc chiếu hoa.
Lộc về nhà từ tối qua. Theo lịch chạy tàu, mỗi chuyến theo tàu từ Hà Nội
vào Thành phố Hồ Chí Minh, trở ra, cô lại được nghỉ ba ngày. Suốt đêm
qua, khi biết Xoan đã ngủ ở giường cô, mặc dù mệt bã người mà cô vẫn
không sao ngủ được. Cô tưởng tượng ra cái mùi mồ hô chua khét, mùi hôi
nách, bộ quần áo bụi bặm nhàu nát của người đi tàu xe. Cô cảm thấy dưới
tấm vải gối, cả trong các khe chiếu nữa, những con chấy kềnh càng, và biết
đâu cả những loại bọ đồng rừng. Thế là suốt đêm cô gãi, cô trở mình. Cả
căn phòng ô nhiễm tới mức, ngay từ sáng sớm ngủ dậy cô đã phải đun một
soong nước sôi, rồi vơ tất cả màn, chăn gối, dội hết một lượt, như người
làm lông vịt.
Phú ném chiếc túi vải xuống giường, đứng lặng nhìn ra ngoài giếng. Cơn
giận làm cổ anh nghẹn tức, không nói được. Câu đầu tiên sau mấy tháng
trời anh em không gặp nhau chẳng lẽ lại là câu nói anh vừa nghe được?
Mấy năm nay Lộc thay đổi nhiều quá. Cái gì đã làm cho nó trở nên ngoa
ngoắt chỏng lỏn đến thế? Nó hợm hĩnh, nhìn người bằng nửa con mắt. Nó
bất chấp cả tình anh em, coi khinh cả những quan hệ ứng xử thông thường.
Cái cây hồng xiêm nơi nó đang đứng kia, ngày bố chiết từ cây hồng lớn
ngoài đình về, còn thấp ngang mặt giếng. Khi ấy bé Lộc mới hai tuổi, suốt
ngày bắt mình cõng trên lưng. Một lần mình mải chơi đáo để nó tha thẩn
bên cây hồng xiêm, tí toáy vặt trụi hết những quả đang bói vụ đầu. Sợ bố
đánh nó, mình đã tự nhận hết những lỗi về mình. Và lần ấy, mình bị bố