người ngay là hai, ăn của đút lót là ba, xà xẻo tham ô móc ngoặc là bốn, lấy
của chung làm của riêng là năm… Tất tật những việc như thế là ông ấy
không chịu được. Chung quy mọi chuyện đều do cái thằng cha giám đốc xí
nghiệp ấy cả chú ạ. Ai đời Xí nghiệp thương binh, nhà nước đã quy định
phải có tối thiểu bẩy mươi phần trăm cán bộ công nhân là thương binh. Thế
mà tay giám đốc chỉ treo biển dê, mổ thịt chó. Lão ta toàn tuyển con em với
người thân cận vào làm, nhiều đứa khoẻ như vâm, trốn tránh nghĩa vụ quân
sự mấy lần… Vì ở xí nghiệp thương binh thì không phải nộp thuế cho nhà
nước, lại được ưu tiên cung cấp vật tư, nguyên liệu mà. Thế đã hết đâu. Tay
giám đốc ấy còn gian ngoan xảo quyệt lắm. Sản phẩm do thương binh làm
ra nó đánh sụt loại để ăn chặn. Nó móc ngoặc với mấy tay cung ứng vật tư
tuồn nguyên liệu ra ngoài. Anh em thương binh thắc mắc thì nó trù dập,
cúp tiền thưởng, vu cáo tội công thần, phá rối… Sao ông Tựu nhà tôi với
chú giống nhau đến thế. Hồi chú bỏ đi bộ đội nghe đâu cũng vì ức cái tay
tàu trưởng phải không?
Phú mỉm cười chua chát:
- Đời thế mới vất vả chị ạ. Em nghiệm ra rồi. Những thằng giám đốc xí
nghiệp thương binh ấy trên đời này còn nhan nhản. Tiếc rằng những người
như anh Tựu còn ít quá.
- Trời ơi, còn ít à? Chỉ một mình tôi khổ vì ông Tựu còn được. Chứ thêm
hàng nghìn người đàn bà nữa thì phụ nữ chúng tôi chịu sao nổi?
Tự nhiên Phú nghĩ đến Xoan, Xoan rồi cũng sẽ là một chị Tựu.
- Tôi cầu mong cho nhà nước bắt hết những thằng cha giám đốc như ở cơ
quan anh Tựu đi tù cả đi, cho xã hội trong sạch. Nghe anh Tựu nói, có một
nhà báo sắp viết bài phanh phui cái vụ này ra rồi. Anh Tựu bảo, thằng ấy nó
phải vào Hoả Lò thì anh ấy mới chịu trở lại xí nghiệp thương binh. - Đang
nói thao thao, chị Tựu bỗng thần người một lúc rồi bất chợt reo lên - Úi
dào, hôm vừa rồi tôi lên phố, có người chỉ cho tôi nhà vợ chồng anh Phát,
sống như thế mới đáng kiếp người chứ. Ông Tựu, ông Phát cùng đi bộ đội
với nhau một ngày đấy. Dào ôi, có dễ gần chục năm nay rồi không thấy vợ
chồng anh Phát đến chơi…