bóng dáng của người mẹ tưởng đã chìm trong quên lãng, nào ngờ những
ngày qua bỗng tái hiện lại trong từng ánh mắt, cử chỉ ở mẹ Xoan. “Đừng
khách khí nhé. Cứ coi như ở nhà ấy”. Người mẹ thật ít lời nhưng trong cái
vẻ thô mộc và quê mùa là một tấm lòng đôn hậu và chân thành. Thúng nếp
cái hoa vàng giành dụm cho ngày tết hoặc để giống cho mùa sau cũng
mang đi xay để đãi khách. Con gà mái duy nhất trong chuồng vừa nhảy từ
trên ổ xuống chưa kịp cục tác, đã nghe tiếng kêu quang quác và tiếng vỗ
cánh đành đạch dưới bếp. Ngồi trước bữa cơm khách đầy ngộn. Phú thấy
đắng miệng và xót xa khi nhìn thấy đôi bàn chân nứt nẻ với những móng
vàng xậm màu gạch cua của mẹ. Nhà Xoan nghèo quá. Mẹ Xoan vất vả
quá. Phú sẽ làm gì để cho những con người mà với anh đã vô cùng thân
thiết kia đỡ khổ?
Chiếc túi gạo nếp mỗi lúc một nặng trĩu tay.
Phú đi rẽ vào con đường ngõ gạch qua một ao rau muống và dừng lại
trước ngôi nhà cũ kĩ, lớp tường loang lổ màu đen xỉn lâu lắm rồi không
được quét vôi lại.
Người phụ nữ đang ngồi thái chuối lợn quá đột ngột khi chợt nhận ra
Phú, vội reo như người bắt được của:
- Chú Phú. Trời ơi, về phép hay đi đâu mà lếch thếch thế kia?
- Em về phép. Ghé thăm chị với các cháu. Anh Tựu vẫn làm ở xí nghiệp
thương binh chứ hả chị?
- Ông ấy bỏ về rồi. - Vợ Tựu đang tươi cười bỗng xịu mặt xuống, giọng
vừa nhấm nhẳn, vừa buồn rượi - Đang không thì cãi nhau ầm ĩ với tay giám
đốc. Trời ơi, mấy tháng vừa rồi mẹ con tôi cứ nẫu cả ruột. Số tôi là cái số
ăn mày. Từ ngày bên mắt kia của anh ấy bị hỏng nốt, trăm bề cơ cực chú ạ.
Vụ đấu đá vừa rồi, Bộ thương binh xã hội phải xuống can thiệp đấy. Họ xử
cho anh ấy thắng. Nhưng mà tính gàn đến mức cứ nhất định đùng đùng bỏ
xí nghiệp về.
- Nhưng vì chuyện gì hả chị? - Phú sốt ruột.
- Thì cũng chuyện xã hội cả ấy mà, tính ông Tựu thì chú còn lạ gì.
Những kẻ có chức có quyền làm điều ngang tai trái mắt là một, hà hiếp