được năm chục. Nói thật chứ, đúng là nhà nước nuôi mình. Không có
phương tiện, vật tư của nhà nước thì anh chị làm sao mà xây cất được thế
này. Rồi còn chuyện ăn học của các cháu nữa chứ. Con Thuỷ con Lan vừa
cho đi học đàn, vừa học thêm tiếng Nga, mỗi tháng mất đứt hai ngàn. Anh
bảo dù tốn kém mấy cũng phải cho các cháu học. Biết rằng giáo sư, bác sĩ,
kĩ sư, tiến sĩ bây giờ lương chẳng đủ nuôi miệng mà vẫn cứ phải cho các
cháu học. Văn hoá nó chỉ là cái mốt hoà nhoáng thôi chú ạ. Cái chính vẫn
là nghề nghiệp. Thế cho nên, chuyện chuyển ngành của chú, tôi cũng nói
thật, chú phải rất thực tế, đừng có sống trên mây trên gió mới được…
Câu chuyện của bà chị dâu cứ vòng vo, dông dài mà cuối cùng vẫn dẫn
dắt đến chuyện của Phú.
Nghe Năm kể về nghề nghiệp của vợ chồng chị, về cách kiếm tiền một
cách say sưa và tự hào, thực tình Phú thấy ngượng thay cho chị. Giá như
một người có chút tự trọng, chút liêm sỉ, chắc đã không dám kể vanh vách
ra những mánh lới làm ăn như thế. Nhưng chị Năm, bản tính vốn là một
người bộc tuệch. Ngày truớc còn ở chung nhà, mỗi lần cãi nhau với Lộc,
chị đều bị Lộc lấn lướt vu cho đủ thứ tội mà không thanh minh được. Bây
giờ, mặc dù nghề nghiệp, sự giao tiếp hàng ngày đã rèn luyện cho chị khôn
ngoan hơn nhiều, nhưng cái tính hồn nhiên, cả tin, bộc tuệch thì vẫn thế.
“Bà này bị cơ chế cuốn đi, đẩy tới sự hư hỏng chứ bản thân bà ấy không có
ý thức biến mình thành hư hỏng”. Phú thầm nhận xét bà chị dâu. Bằng một
cái nhìn thật khách quan và độ lượng, anh vẫn nhận ra cái nét bản chất chân
thật và hiền lành vốn là tính cách của chị. Bởi thế, đáng lẽ Phú định chủ
động chấm dứt câu chuyện mà anh thấy xa lạ với mình thì anh lại chỉ lắc
đầu buồn bã.
- Chuyện của em nó khác với chuyện của anh chị nhiều lắm.
- Khác thế nào? Chú là người hay là thần thánh mà cứ sống như ở trên
trời. Thời buổi này là phải thực tế. Tôi không nói bọn buôn bán phe phẩy
hay loại người có chức có quyền, nay nước này mai nước khác. Bọn họ ấy
à, chú cứ đi mà xem, nhà này so với họ còn là vét đĩa. Những người bình
thường như chú, như anh Phát, muốn sống được là phải nhờ có một cái