nghề dính dáng đến vật tư, tài sản của nhà nước. Tôi nói thật chú đừng
giận. Cái cô Xoan mà chú định lấy, chưa biết người ngợm thế nào, nhưng
làm cái nghề nông trường như thế thì chỉ có ăn đất. Này, chị bảo thật nhé.
Đừng dại mà dính vào đấy. Tôi với cô Lộc sẽ làm mối cho chú. Một cô vợ
đi tàu Thống Nhất hay phục vụ ở cửa hàng đủ nuôi chú suốt đời. Anh đã
bàn với tôi rồi. Chú về cơ quan anh ấy là được lắm. Anh em ruột thịt
thương yêu nhau thì chỉ giúp nhau lúc này chứ còn lúc nào nữa. Mấy hôm
vừa rồi anh Phát giận chú lắm đấy. Tôi là chị dâu, đáng lẽ chuyện này tôi
vô can. Nhưng thực tình tôi cũng rất lo cho chú.
Vẻ chân thật và tốt bụng của người chị dâu khiến Phú cảm động đến
mềm lòng. Nhưng rồi anh chợt nghĩ tới những ngày gian khổ vừa qua.
Gương mặt những con người mà anh đã thân quen gắn bó suốt bốn năm
trời dọc một giải biên giới trên kia lại hiện về. Liệu những đồng đội đã từng
nằm trên điểm chốt với anh có mừng cho anh không, khi anh bỗng vớ được
một cái nghề mà chỉ nhờ những khe hở trong việc quản lí của nhà nước để
kiếm ra tiền? Không, chẳng có ai ngờ nghệch tới mức tự nguyện ăn canh
măng và mắm khô hàng tháng trời, tự nguyện giam mình hàng năm trời ở
một cung đường heo hút, một lâm trường hẻo lánh đầy muỗi vắt và bệnh
tật, khi họ biết rằng có khối kẻ “khôn ngoan” vô tình hoặc cố ý lừa họ,
phỉnh phờ họ để luồn về tìm cách sống cái phần mà đáng lẽ họ phải được
hưởng. Và Xoan, Xoan có khờ khạo và ngờ nghệch không khi chọn đúng
cái nghề chẳng dính dáng một chút vật tư tài sản gì ngoài nắng cháy mưa
rừng và đất đá? Cả mình nữa, trước ngày đi bộ đội, mình cũng từng có
trong tay cái phương tiện sà lan để làm giàu đấy chứ? Và bao nhiêu người
khác nữa, họ cũng lái xe, cũng bán hàng, thủ kho nhưng sao họ vẫn nghèo?
Chị Năm ạ, chị vẫn nguỵ biện bào chữa cho mình đấy thôi. Phương tiện,
vật tư, bản thân nó chẳng thể gây nên tội, nếu người ta không lợi dụng nó,
biến nó trở thành một thứ đặc lợi của riêng mình…
- Sao em không thể giàu được. Mấy năm trước em muốn làm giàu thì
bây giờ anh chị chưa chắc đã đuổi kịp đâu.