ra với ông Phát lúc này được. Ông ấy sẽ làm um lên, thậm chí sẽ vớ một cái
gì đó giáng thẳng cánh vào mình”. Phú nhìn qua cửa sổ. Thành phố đã lên
đèn. Những ngôi nhà cao tầng trông như những con tàu khổng lồ buông neo
trên mặt biển bình yên. Cũng như ngôi nhà Phát đây, hàng ngàn gia đình ở
thành phố đang ấm cúng cuộc sống gia đình với bao thứ tiện nghi, đồ dùng
sinh hoạt, dẫu chưa sang trọng, nhưng cũng có thể đủ nói về một cuộc sống
văn minh đô thị. Vậy mà giờ này, ở cái làng nhỏ dưới vùng chiêm trũng
Thái Bình kia Xoan đang giúp mẹ thắp chiếc đèn dầu đỏ quạch, hay lúi húi
trong gian bếp khói mù nấu giúp mẹ nồi cám lợn. Và ở cái bến phà heo hút
trên nông trường kia, những người thợ phà đang làm gì? Họ ngồi trong gian
lều che tạm bằng lá cọ, áo mưa bạt tránh gió, truyền tay nhau chiếc điếu
cày và chờ những chuyến xe qua. Tại sao Phú lại chuyển giấy xin liên hệ
công tác về cái bến phà khuất nẻo ấy? Vì Xoan chăng? Đúng là Xoan đã
gợi ý cho Phú về đó. “Em có ông anh họ cùng làng làm ở bến phà. Nếu anh
thương em, nếu anh muốn chúng mình sống gần nhau thì anh có thể xin về
đây làm việc”. Phú đã nộp giấy tờ xin chuyển về bến phà ấy. Anh nghĩ đến
Xoan. Nhưng anh cũng nghĩ đến cả cái vùng đất mà anh đã quá quen thuộc
suốt bốn năm làm lính. Nếu bây giờ Phát biết được cái việc làm của Phú ấy,
hẳn là anh sẽ gầm lên: “Đồ ngu. Ai bảo mày rúc đầu vào cái xó rừng ấy”.
- Thế nào? Giấy tờ ra sao? - Phát nhắc lại.
- Đơn vị người ta còn cân nhắc thêm. Có thể là em chưa được xuất ngũ
đợt tới. Tình hình biên giới kì này đang lắm vấn đề phức tạp…
- Chuyện biên giới thì biết thế nào được. Vấn đề là chú đã quá hạn nghĩa
vụ một năm rồi. Nhà mình lại có tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ. Để rồi tao sẽ
lên hẳn đơn vị xem họ làm ăn thế nào.
- Anh lên làm gì, để em lo… - Phú vội vã ngăn lại. Trong cách nói và
nhất là cử chỉ của Phú đã hé mở cho Phát một mối ngờ vực.
- Tao biết, chú quanh co đánh bài lảng. Mấy hôm vừa rồi đi Thái Bình,
chú định thu xếp chuyện cô Xoan thế nào?
- A… mới là về chơi thăm gia đình…