nghèo túng của mình. Đã có lần ông tìm cách nói thẳng với họ rằng cứ ngồi
nhà mãi không có việc gì làm thì cũng buồn, rằng tuy thế ông cũng chưa
phải già đến mức không thể làm việc được nữa, không thể giúp ích gì cho
mọi người được nữa, rằng ông đã chán ngấy cái cảnh ăn không ngồi rồi,
rằng ông rất sung sướng nếu có bất cứ việc gì để làm.
Nhưng người ta thì bảo ông: "Dạ, bác cứ nói thế, chứ ở toà báo đâu có
việc gì đáng cho bác làm... Bác bảo muốn làm bất cứ việc gì, nhưng cũng
phải là việc quan trọng to tát chứ như các công việc ở toà soạn này thì đâu
có đáng để bác bận tâm. Nói thế mong bác cũng bỏ quá cho..."
Rồi lúc tiễn ông ra về, người ta còn nói thêm: Dạ xin mời bác cứ đến
chơi với chúng tôi, thế là hân hạnh lắm rồi ạ!"
Từ đó, ông quyết định không có quanh co úp mở gì nữa, mà cứ nói toạc
ra là ông đang cần tiền và sẵn sàng làm cả chân sửa bài.
Nhưng người ta lại bảo:
-ấy chết, sao lại thế ạ. Ngài mà lại phải đi làm cái việc sửa bài thì có hoạ
là...
Nhưng nhà văn không chịu thua. Ông bảo nếu không có việc sửa bài, thì
có thể cho ông bất cứ việc gì khác cũng được.
Người ta lại tưởng ông đùa và bảo:
-Dạ ngài cứ nói đùa vậy chứ ạ...
Đã thế, ông tự nhủ, phải nói thẳng hơn nữa! Đến một toà soạn khác, ông
đã kể cho họ biết rằng đã 3 tháng nay ông không có tiền trả tiền nhà, rằng
ông đang mắc nợ như chúa chỏm, và bây giờ nếu có việc gì làm thì thật ông
sung sướng biết mấy. Mà chả lẽ bao năm nay ông làm việc cho các báo mà
bây giờ lại không xin được việc gì làm hay sao?