– Có, mẹ cần chỉ bóng, một gói kim số chín và hai thước ruy băng màu
tím nhạt nhỏ. Con có đi ủng và mặc cái gì ấm bên dưới áo măng tô không?
– Con nghĩ là có. – Jo đáp giọng xa vắng.
– Nếu tình cờ con có gặp ông Bhaer thì hãy mời ông ấy về nhà dùng trà.
Lâu rồi bố không được gặp người đàn ông đáng mến đó. – Ông March thêm
vào.
Jo nghe thấy, nhưng không đáp. Cô chỉ ôm hôn mẹ và ra đi vội vã, trong
sự hăm hở biết ơn, mặc dù đang đau khổ: “Mẹ thật tốt với mình! Không biết
mấy cô gái không có được một bà mẹ như thế để giúp họ khi chuyện không
êm xuôi phải làm thế nào?”
Cửa hàng bách hóa không nằm trong khu phố của các ngân hàng và nơi
buôn bán lớn, nơi mà phần lớn đàn ông hay tới đó. Nhưng Jo lại có mặt ở
đấy trước khi mua bán các thứ, bước đi lững thững như thể cô đang chờ đợi
ai đó, và ngắm nhìn các dụng cụ máy móc trong một tủ kính với sự quan tâm
ít thấy ở phụ nữ. Cô vấp vào mấy cái thùng tô nô, suýt nữa thì bị ngạt thở
bởi mấy gói to người ta ném từ trên gác xuống, bị đẩy đi một cách tự nhiên
bởi những người đàn ông bận rộn và mấy người đó tự hỏi không biết cô đến
đấy để làm gì. Một giọt mưa rơi trên má đưa cô trở về thực tại. Và vì trời
tiếp tục mưa nên cô tự nhủ: nếu không thể cứu được trái tim, ít nhất cô cũng
có thể cứu lấy cái mũ của mình. Cô nhớ lại cái ô nhỏ mà trong lúc vội vã cô
đã quên không cầm theo. Bất lực, cô chỉ có thể mượn một chiếc ô hoặc nhận
lấy một buổi tắm mưa.
Cô nhìn trời đầy mây và ruy băng màu đỏ của cô đã có những chấm đen,
nhìn con đường lầy lội trước mặt, rồi nhìn vào một cái kho hàng dính đầy bồ
hóng mang biển hiệu “Hoffmann, Swartz & co”. Sau cùng cô tự trách mình:
“Cho đáng đời! Không hiểu sao mình lại có ý nghĩ mặc quần áo đẹp nhất và
đi lững thững ở đây với hi vọng là sẽ gặp ông giáo sư? Jo, tôi xấu hổ vì cô
đó! Không, cô không nên vào đấy để hỏi mượn một cái ô hoặc qua những
người bạn của ông ấy hỏi xem ông ấy đang ở đâu! Cô phải đi khỏi đây và
mua bán dưới mưa. Và nếu cô chết đi hay làm hỏng cái mũ của mình thì đó
là cái cô xứng đáng được nhận. Chấm hết!”