ươ
ng Pháp đều đã đi trước một bước – một kiểu chạy đua vũ trang
mà đối tượng chính là vàng. Đến tháng Bảy năm 1914, ngân hàng
này đã nắm trong tay tới hơn 800 triệu đô-la vàng thỏi.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Pháp không chịu được cảnh
biết bao khó khăn mới tích cóp được hàng đống kim loại quý chỉ để
nhìn nó tiêu tán vào tay những công dân lo xa của chính đất nước
mình. Kho của cải này tồn tại với mục đích hỗ trợ chính phủ khi đất
nước có việc cần kíp thật sự. Trong suốt hơn một thập kỷ, tất cả
các giám đốc tại 250 chi nhánh của Ngân hàng Trung ương đã khóa
kỹ trong két của mình, đặt ở một nơi mà theo chỉ thị từ cấp trên,
“phải dễ tiếp cận trong mọi hoàn cảnh,” một chiếc phong bì bí mật,
chỉ được mở ra khi có lệnh tổng động viên toàn quốc. Bên trong
phong bì đó chính là Thông tri màu xanh (Le Circulaire Bleu).
Được viết trên nền giấy màu xanh xám với chữ ký của Thống
đốc Pallain, trong thông tri này chứa chỉ dẫn về những việc mỗi
giám đốc ngân hàng phải làm trong trường hợp chiến tranh bùng
nổ. Một khi lệnh tổng động viên được phát ra, ông ta sẽ phải đối mặt
với “những trọng trách lớn lao và hiểm nghèo.” Ông ta phải vượt qua
“thử thách khốc liệt này” với “sự bình tĩnh, thận trọng, sáng tạo, và
kiên cường.” Nhiệm vụ đầu tiên và số một là ngừng thanh toán
vàng ngay lập tức. Nếu chi nhánh ngân hàng đó rơi vào tay quân
địch, giám đốc chi nhánh phải bảo vệ tài sản mình được giao phó
bằng “tất cả thẩm quyền và… sức lực [của mình].” Do đó, khi lệnh
tổng động viên toàn quốc được phát đi vào hồi 4 giờ chiều ngày
thứ Bảy, mồng 1 tháng Tám, các kho dự trữ vàng của Pháp cũng lập
tức được huy động.
Một tiếng sau, việc bắt một chiếc taxi giữa thủ đô Paris đã trở
thành bất khả thi. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng – xe
hơi, xe ngựa, và xe buýt – đều được điều động để chở binh lính.
Cách di chuyển duy nhất là đi bộ. Chỉ trong hai mươi tư giờ, tất cả