London, song một bầu không khí mơ hồ vẫn lơ lửng khắp nơi.
Không ai có thể hiểu nổi cuộc chiến tranh này nổ ra vì mục đích gì và
tại sao, nhưng cũng chẳng ai nghĩ nó sẽ kéo dài quá lâu. Khi binh lính
của tất cả các bên hành quân ra chiến trường, trong đầu ai cũng
chắc mẩm sẽ cho quân địch nếm mùi thất bại, còn các tướng lĩnh
thì ra sức hứa hẹn rằng tất cả anh em sẽ được sớm về nhà để kịp
chung vui Giáng sinh với gia đình. Bị lóa mắt bởi tâm lý lạc quan của
các quan chức quân đội, giới tài chính cũng bấm đốt nhẩm tính
rằng vì chiến tranh sẽ chẳng mấy mà kết thúc, nên việc tối quan
trọng cần làm là giữ gìn một trạng thái tài chính ổn định, sao cho
kho vàng được nguyên vẹn đến những phút cuối cùng.
Các chủ ngân hàng cũng như các nhà kinh tế học thiển cận đến
mức tự cho phép mình bị thuyết phục rằng riêng bản thân nguyên
tắc “tiền tệ lành mạnh” cũng đủ khiến mọi người phải suy nghĩ
một cách lý trí và đưa chiến tranh đến hồi kết. Ngày 30 tháng
Tám, năm 1914, khi các cuộc giao chiến còn chưa kéo dài được tròn
một tháng, Charles Conant của tờ New York Times đưa tin cho hay
cộng đồng ngân hàng quốc tế đều rất tự tin rằng sẽ không xảy
ra chuyện “phát hành tiền giấy vô tội vạ và tình trạng tiền mất
giá đột ngột” là nguyên nhân của thảm họa lạm phát trong những
cuộc chiến trước đây. Các chủ ngân hàng cũng không ngần ngại
tuyên bố, “Ngày nay chúng ta đã có kiến thức sâu sắc hơn hẳn về
khoa học tiền tệ so với thời xưa.”
Ngài Felix Schuster, chủ tịch hội đồng quản trị Liên hiệp London
và Smith’s Bank, một trong những viên chức ngành ngân hàng xuất
sắc nhất của thành phố, còn tự tin đến nỗi đi đâu cũng khẳng
định như đinh đóng cột rằng chiến tranh sẽ chấm dứt hoàn toàn
chỉ trong vòng sáu tháng - bởi lẽ những thiệt hại do các hoạt động
thương mại bị gián đoạn là quá to lớn. John Maynard Keynes, khi ấy
mới ba mươi mốt tuổi, là giảng viên bộ môn kinh tế học tại King’s