Giống như những mô tả của Walter Bagehot, vị chủ bút vĩ đại
trong thế kỷ XIX của tờ Economist, người có niềm đam mê vô hạn
đối với những nghịch lý thú vị trong đời sống của dân Anh, các hội
viên của triều đình nhìn chung là “người nghiêm trang, trầm lặng…
có vô vàn thời gian rảnh rỗi.” Thực ra, ông cảm thấy nếu chủ một
ngân hàng tư nhân bận rộn suốt ngày, đó mới chính là điềm gở.
“Nếu một người ở vị trí như vậy lại luôn tất bật, thì đó là dấu hiệu
cho thấy có điều gì đó không ổn. Hoặc ông ta can thiệp vào những
vấn đề quá cụ thể, những việc mà các thuộc cấp có thể làm tốt
hơn nhiều, hoặc ông ta tham gia vào quá nhiều vụ đầu cơ… và có
thể gặp thất bại.”
Theo Bagehot, cách cơ cấu này đặt sự ổn định tài chính của
London, cũng đồng nghĩa với đặt cả thế giới vào bàn tay của “một
chủ tịch luân phiên; một ban giám đốc được tuyển chọn từ khi còn
quá trẻ, chưa đủ tuổi để đánh giá liệu họ có đủ năng lực hay không;
một ban quản trị trong đó thâm niên được coi là tiêu chuẩn cốt yếu,
và tuổi già là kết quả phổ biến.” Đó là một lối tư duy kỳ dị, nếu
không muốn nói là quái gở, vì tổ chức tài chính quan trọng bậc
nhất của nước Anh, thực tế là quan trọng nhất thế giới, lại được
trao vào tay của một nhóm những kẻ nghiệp dư, những người có lẽ ưa
thích những công việc khác hơn là nghiêm túc đón nhận vị trí đó và
coi những năm tháng cống hiến cho công cuộc lèo lái Ngân hàng
như một cách thực hiện những nghĩa vụ công dân thiêng liêng.
Mặc dù các giám đốc của Ngân hàng Anh quốc nắm trọng
trách giám sát cung tín dụng tại nước Anh, nói rộng ra là cung tín
dụng trên toàn cầu, song họ thậm chí chẳng buồn tỏ ra rằng mình
cũng có sở học không tồi về kinh tế học, ngân hàng Trung ương,
hay chính sách tiền tệ. Một nhà kinh tế học sống ở những năm
1920 đã mô tả họ như các thuyền trưởng, những người không chỉ từ