là nước Anh. Ban đầu, một nhóm những nhân vật có tư tưởng tự do
mạnh mẽ thuộc Bộ Tài chính Anh đã cùng nhau soạn thảo các kế
hoạch hòa bình dựa trên cơ sở một món bồi hoàn tương đối vừa
phải. Song trong những tháng trước thời điểm diễn ra Hội nghị hòa
bình, toàn bộ báo giới, dưới sự dẫn dắt của hai tờ báo Time và Daily
Mail, đã đồng loạt phát động một chiến dịch hiếu chiến rẻ tiền,
trong đó lớn tiếng kêu gọi các bên chiến thắng phải đòi bồi
thường thật nặng và suốt chiến dịch bầu cử tháng Mười Hai năm
1918, khẩu hiệu hô hào rằng quân Đồng minh phải “nặn cho kỳ
hết từng đồng xu cắc bạc cuối cùng của nước Đức” đã đánh trúng
tim đen của đông đảo cử tri.
Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là David Lloyd George, vì muốn
chiều lòng công luận, đã bổ nhiệm ba nhân vật sừng sỏ bậc nhất
thuộc phe ủng hộ chính sách đòi bồi hoàn lớn để góp mặt trong đoàn
đại biểu của Anh tới tham gia Ủy ban bồi thường tại Paris, bao gồm:
William Hughes, vị thủ tướng hung hăng của Australia; Huân tước
Sumner, vị luật gia nổi tiếng “tim sắt dạ đá”; và Huân tước Cunliffe,
ngài cựu thống đốc nóng nảy của Ngân hàng Anh quốc.
Cunliffe được kỳ vọng sẽ đóng vai trò đầu não tài chính của bộ ba
nói trên. Mặc dù bản thân là một viên chức ngành ngân hàng thành
công, thậm chí đã từng nắm giữ vị trí thống đốc của Ngân hàng
Anh quốc, song ông vẫn khăng khăng bảo lưu suy nghĩ ngu dốt của
mình về những nguyên lý kinh tế học cơ bản nhất. Vài tuần trước
khi lên đường sang Paris, ông ta kiến nghị rằng nên đòi nước Đức
phải trả 100 tỷ đô-la tiền bồi thường chiến phí. Đó quả là một con
số ai nghe cũng phải giật mình. GDP hàng năm của nước Đức trước
chiến tranh chỉ xấp xỉ 12 tỷ đô-la. Họa có tâm thần người ta mới
nghĩ đến chuyện đổ lên vai đất nước này một khoản nợ lớn gấp
tám lần thu nhập thường niên của nó. Tính riêng số tiền lãi trên
khoản nợ này cũng đã ngốn bay 40% GDP của Đức rồi.