dưới mức một trăm ngàn người, hải quân bị giải tán, và đội thương
thuyền từ nay sẽ nằm dưới quyền quản lý của các nước Đồng
minh. Mặc dù các nước Đồng minh đã trì hoãn việc ấn định quy mô
của các khoản bồi thường chiến phí, song mọi người đều biết
rằng con số đang được thảo luận trên bàn đàm phán chắc chắn
rất khổng lồ. Trong thời gian quá độ, nước Đức buộc phải trả khoản
bồi thường ban đầu trị giá 5 tỷ đô-la trước mồng 1 tháng Năm
năm 1921. Một Ủy ban bồi thường mới, trụ sở đặt tại Paris, được
thành lập riêng để chuyên xác định tổng số tiền mà nước Đức phải
trả và giám sát việc thu nợ. Hành động sỉ nhục tồi tệ nhất là Khoản
231, “điều khoản ô nhục,” trong đó quy trách nhiệm gây ra cuộc
chiến tranh này là hoàn toàn do tội lỗi của nước Đức.
Phản ứng bên trong lòng nước Đức trước hiệp ước hoà bình đã bị
đẩy lên mức điên loạn. Tất cả các hình thức giải trí công cộng đều bị
tạm ngừng suốt một tuần lễ để biểu thị thái độ phản đối. Quốc kỳ
trên khắp đất nước đều được treo rủ. Thủ tướng Philipp
Scheidemann gọi những điều khoản trong hiệp ước này là “không
thể chịu đựng được, không thể hiểu được và không thể chấp nhận
được,” và khẳng định rằng nó sẽ biến người dân Đức thành “những
kẻ nô lệ và tôi đòi... buộc phải lao động cưỡng bức sau hàng rào dây
thép gai và song sắt nhà tù.” Dân Đức được cho hạn chót trong vòng
năm ngày phải chấp nhận các điều khoản, nếu không sẽ phải tiếp
tục đối mặt với chiến sự. Scheidemann đệ đơn từ chức chứ nhất
quyết không ký vào hiệp ước, ông khảng khái phát biểu, “Bàn tay
nào lại chịu thuận theo thứ gông cùm sẽ trói buộc chính nó và tất cả
chúng ta cơ chứ?” Vào ngày nước Đức chấp thuận các điều khoản
nói trên, tất cả các nhà thờ đạo Tin lành đồng loạt tuyên bố hôm
đó là ngày quốc tang.
Đằng sau mọi sự bất đồng sẽ gây chia rẽ toàn bộ nước Đức
trong một vài năm tiếp đó, có một nhân tố duy nhất đã liên kết