Quan điểm chính của ông là với cách cơ cấu như hiện tại, trong
hoàn cảnh kho dự trữ vàng của nước Mỹ đang chiếm phần áp đảo,
thì việc neo đồng bảng vào vàng về thực chất đồng nghĩa với việc
neo nó vào đồng đô-la và buộc nền kinh tế Anh vào nền kinh tế
Mỹ - mà suy rộng ra, chính là vào Phố Wall. Ông cũng không nhọc
sức giấu giếm sự ghê tởm đối với cái mà ông, và tất cả những bạn
hữu Bloomsbury của ông, gọi là chủ nghĩa vật chất thô bỉ của nước
Mỹ và với viễn cảnh rằng tương lai kinh tế của nước Anh lại bị chi
phối bởi những nhu cầu của một nước Mỹ vốn bị cầm tù trong
chính sách cô lập mà tự nó đã đặt ra. Ông có viết trong một bài báo
rằng, “Chúng ta có thể phải chấp nhận nguy cơ phải cắt giảm…
nguồn tín dụng cho các ngành công nghiệp nội địa chỉ đơn giản vì
một đợt phát triển bùng nổ về đầu tư tại Phố Wall đã đi quá xa,
hay vì một sự thay đổi đột ngột trong sở thích của dân Mỹ đối với
hoạt động phát hành trái phiếu nước ngoài, hay vì các ngân hàng ở
miền Trung Tây còn bận dành hết tâm sức phục vụ các khách hàng
nông dân của họ hay vì cái tin rùng rợn là mỗi người Mỹ sở hữu tới
mười cái xe hơi và đặt một máy thu thanh tại mỗi phòng trong mọi
căn nhà đã qua bài báo này mà bay đến tai các nhà sản xuất.”
Qua hết bài báo này tới bài báo khác, ông tiếp tục lật lại đề tài
này - rằng nước Anh, đang phải vật lộn với tỷ lệ tăng trưởng thấp,
nền tài chính kiệt quệ, và “những khiếm khuyết trong cơ cấu
kinh tế,” quá yếu đuối để có thể buộc mình vào một nước Mỹ
dường như đang “sống trên đỉnh của một đợt triều dâng khổng lồ
không có điểm dừng.” Nước Mỹ, với tất cả sức mạnh và sự năng động
của nó, hoàn toàn có đủ khả năng “chịu đựng được những cơn bão tố
tài chính và công nghiệp trong những năm tới đây mà chẳng hề hấn
gì, nhưng nếu nước Anh được nó chia sẻ cho vài phần giông tố, sẽ
gần như chìm nghỉm.” Tuy nhiên, chẳng mấy ai thèm để tâm
nhiều đến những điềm báo u ám như thế.