cánh cửa hẹp này sẽ sớm đóng lại, một khi nước Anh bắt đầu thanh
toán các khoản nợ chiến tranh, dòng tiền chảy ra sẽ khiến đồng
bảng yếu đi. Động thái nới lỏng tín dụng năm 1924 của FED nhằm
mục đích đáp ứng nhu cầu nội địa của riêng nước Mỹ - mùa hè vừa
qua, nền kinh tế Mỹ đã phải trải qua một đợt khủng hoảng ngắn
không trầm trọng lắm. Song sẽ chẳng còn lâu nữa cho đến lúc
FED bị buộc phải thắt chặt tín dụng trở lại cho phù hợp với các mục
tiêu quốc gia, nghĩa là hoạt động thu hút nguồn vốn để hỗ trợ
đồng bảng của nước Anh sẽ khó khăn và đắt đỏ hơn. Ngay trong nội
bộ FED đã bắt đầu xuất hiện những lời bàn tán rằng Strong đang
bị ảnh hưởng quá nhiều từ những bạn hữu tại London.
Ông cũng ý thức rất rõ một điều, đó là mức giá cả tại Anh vẫn
cao hơn tại Mỹ tới 10%, và nếu tiếp tục áp dụng chính sách giảm
phát để xóa bỏ mức chênh lệch này, nước Anh sẽ phải chịu thêm
nhiều gian khổ nữa. Song ông ngày càng có niềm tin mạnh mẽ
rằng người Anh cần phải bị thúc ép hơn nữa để có thể đi tới quyết
định lớn – ông gọi đó là điều kiện bất khả kháng (force majeure).
Liệu pháp sốc là buộc nước Anh phải cạnh tranh trên các thị trường
thế giới, mặc dù rất khắc nghiệt, song sẽ đem lại sự tái cân bằng
cần thiết trong giá cả hiệu quả hơn hẳn so với một chính sách thắt
chặt tín dụng mở rộng đã được thiết kế kỹ lưỡng.
Phía Mỹ nhận thấy rằng nếu nước Anh thật sự trở lại với nền
tảng vàng, thì mối liên kết này nhất thiết không được đứt gãy
ngay khi những dấu hiệu đầu tiên của bất ổn mới manh nha.
Bằng không, mức độ tin cậy của cả hệ thống sẽ bị đặt dấu hỏi, đẩy
tất cả các đồng tiền trên thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Chính phủ Mỹ chẳng có tư cách gì để cho bất cứ quốc gia nào vay
tiền nữa – họ đã cho các chính phủ khác vay quá nhiều trong cuộc
chiến tranh vừa qua và nay đang phải khổ sở vật vã với những cuộc
đàm phán lại các điều khoản cho những khoản vay nói trên. Để đảm