đổi mọi mặt của đời sống. Sự đối nghịch giữa một bên là vẻ ngoài
thịnh vượng của nước Mỹ, nơi một người công nhân bình thường
kiếm được số tiền khoảng 6 đô-la một ngày, và bên kia là bộ mặt
nghèo đói của châu Âu, nơi các công nhân chỉ được nhận chưa tới 2
đô-la một ngày, khiến người ta không khỏi chạnh lòng nghĩ tới cái
giá quá đắt đỏ của chiến tranh.
Strong đã sốt sắng đứng đợi sẵn trên cầu tàu. Ông là viên chức
người Mỹ có hiểu biết sâu sắc nhất về các vấn đề tài chính
quốc tế, với mạng lưới bạn bè và người quen rộng rãi nhất trong
giới ngân hàng châu Âu, và một lòng tận tâm đối với công cuộc tái
thiết châu Âu. Tuy nhiên, phần vì sức khỏe kém, phần vì chính
quyền Mỹ đã thoái lui không động chạm đến các sự vụ tài chính của
châu Âu nữa nên ông đành lực bất tòng tâm, chỉ biết đứng ngoài
nhìn. Năm 1922, ông đã tìm cách tham gia vào quá trình xây dựng
một giải pháp giúp xử lý tình trạng siêu lạm phát ở Đức, song đích
thân ngoại trưởng Mỹ đã ra lời cấm ông không được động chạm đến
vấn đề này. Trong phần lớn thời gian của năm 1923, ông lại chìm
đắm trong những cơn ốm bệnh. Sau đó, vào đầu năm 1924, ông bị
các quan chức chính quyền gạt ra khỏi các cuộc đàm phán xoay
quanh Kế hoạch Dawes, và chỉ được dự một số ít các cuộc thảo luận
không chính thức trong một chuyến thăm ngắn ngày vào mùa xuân
tới London và Paris. Khi quay về Mỹ, ông lại đổ bệnh và phải dành
một khoảng thời gian của mùa thu năm ấy đi Colorado dưỡng bệnh.
Song ông vẫn bị thuyết phục rằng với tầm quan trọng của
đồng bảng trong thương mại thế giới, một cuộc trở lại với chế độ
bản vị vàng trên phạm vi toàn cầu chỉ có thể thực hiện được khi nước
Anh nắm lấy vị trí dẫn dắt: “Vấn đề căn cốt chính là đồng
bảng vàng, các đồng tiền khác sẽ dễ dàng nối gót một khi đồng
bảng đã vận hành trơn tru,” ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại với các
đồng nghiệp của mình như vậy.