Song những bài bút chiến của Keynes vẫn chưa là gì nếu so với
thái độ phản đối kịch liệt của Huân tước Beaverbrook, vị chủ báo
quyền lực và thành công nhất tại nước Anh vào thời bấy giờ. Ông
vốn mang dòng máu lai Scotland - Canada và là con trai của một vị
bộ trưởng, mặc dù ít ai có thể ngờ được, song ông đã tự biến mình
thành nhà triệu phú, không chỉ một, mà là rất nhiều lần, trước khi
ông bước sang tuổi ba mươi mốt, là thời điểm ông chuyển tới sinh
sống tại Anh vào năm 1910. Đánh hơi được rằng quyền lực của báo
chí sẽ đưa đường dẫn mình tới đỉnh cao danh vọng tiền tài, ông bèn
ra tay thâu tóm tờ Daily Express, một tờ báo nhỏ thua lỗ đầm đìa
với tổng lượng phát hành chỉ khoảng 200.000 bản. Bằng cách cung
cấp cho công chúng thứ họ muốn - một tờ báo trơ trẽn với lối hành
văn gãy gọn đầy ắp những chuyện ngồi lê đôi mách, tin thể thao,
các chuyên mục dành cho phụ nữ, và những bài báo viết về thuyết
thông linh cùng nhiều trào lưu thời thượng khác của xã hội - ông đã
đưa nó lên vị trí tờ báo có lượng ấn bản lớn nhất nước với gần 1,5
triệu độc giả đặt báo dài hạn. Đối với nước Anh, Beaverbrook chỉ là
người ngoài, và cũng giống như tờ báo của mình, một ấn phẩm có
khả năng hấp dẫn mọi tầng lớp xã hội, ông hoàn toàn vượt ra khỏi
hệ thống giai tầng nước Anh. Song với tư cách là một người Canada,
ông vẫn bảo lưu thái độ hoài nghi nhất định đối với nước Mỹ, và tin
rằng việc nước Anh trở lại với vàng sẽ là một biểu hiện của sự quy
hàng trước người Mỹ, những kẻ mà theo ông, đang “ra sức hối thúc
công cuộc khôi phục chế độ bản vị vàng nhằm tận dụng những núi
vàng vô dụng [trích nguyên văn] của nước Mỹ.” Quan điểm của ông
về chế độ bản vị vàng sắc sảo bởi chính sự giản dị của nó: “Cái suy
nghĩ cho rằng tín dụng quốc tế phải bị giới hạn trong số lượng
vàng được đào lên khỏi mặt đất thật quá ư lố bịch và ngu xuẩn. Đã
từng có thứ linh vật nào lố lăng đến vậy lại có đất sống giữa
những con người hiểu biết và có học như thế chưa?”