song nếu ông định chống lại nó, ông “sẽ bị những kẻ chuyên nghe
lời xúi bẩy và bọn hậu sinh lợi dụng.”
Song Churchill đã quá dày dạn sóng gió chính trường nên cũng
chẳng dễ gì bị hù dọa bởi vài câu khẩu hiệu suông. Trong những ngày
tiếp theo, ông chỉ hướng sự quan tâm vào vấn đề chính trị và xã
hội quan trọng nhất: rằng dù có nhiều lợi ích như thế, song chế
độ bản vị vàng, một khi được khôi phục lại, sẽ là một cái giá cực đắt
mà đối tượng phải trả chính là những người lao động mất công ăn
việc làm tại những ngành công nghiệp của nước Anh bị đè bẹp trong
cuộc đua giá cả trên các thị trường thế giới. Ông bèn càu nhàu với
các cố vấn của mình rằng, “chính Thống đốc của Ngân hàng
Trung ương Anh quốc lại tỏ ra hoàn toàn mãn nguyện với viễn cảnh
nước Anh sở hữu nền tín dụng tốt nhất thế giới cùng một triệu
hai trăm năm mươi ngàn người thất nghiệp.”
Norman chưa bao giờ có lòng tin đối với những lợi ích của việc
phân tích chính sách kinh tế - sau này ông nổi tiếng vì đã có lần
lên lớp nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh quốc
rằng, “Anh có mặt ở đây không phải để dạy chúng tôi phải làm gì, mà
là để giải thích với chúng tôi tại sao chúng tôi lại làm như vậy” - và giờ
đây, ông bắt đầu cáu kỉnh vì cuộc tranh luận cứ bị kéo dài mãi. Cảm
thấy “quá mệt mỏi và chán chường” đến nỗi ông “phải nằm liệt
giường suốt tám ngày,” Norman bèn chọn đúng thời điểm nhạy cảm
này để sang miền Nam nước Pháp nghỉ phép trong hai tuần. Đôi
khi cách cư xử của ông có thể khiến ngay cả các bạn bè thân thiết
nhất cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Như Teddy Grenfell đã có lần
viết, “Norman luôn tự mình dàn dựng mọi kế hoạch và chẳng bao
giờ chịu tham vấn ý kiến của bất kỳ ai, trừ phi ông buộc phải làm
như vậy để chống lại những thế lực đối địch... Monty làm việc theo
một cung cách lập dị của riêng mình. Ông hách dịch và rất kín
tiếng.”