này chẳng khác nào chính phủ tự thừa nhận rằng mình đã mất khả
năng trả nợ. Caillaux gần như phát điên lên với thái độ của Ngân
hàng Trung ương Pháp.
Tháng Mười Một, Caillaux bị hất cẳng, lại thêm một nạn nhân
nữa của những mối hận thù và tị hiềm cá nhân vẫn tác oai tác quái
trong đời sống chính trị nước Pháp. Khi ông ra đi, đồng franc đã
chạm ngưỡng 25 franc ăn một đô-la. Trong bảy tháng ông tại nhiệm,
chi phí sinh hoạt đã tăng 10%. Trong suốt tám tháng tiếp đó, nước
Pháp đã thay tới năm bộ trưởng tài chính khác nhau, mỗi người lại có
một giải pháp ưa thích của riêng mình - một sắc thuế của cải, một
lệnh hoãn trả nợ đối với một số khoản nợ sắp đáo hạn nhất định,
rồi đẩy mạnh thu thuế, hay tăng doanh thu thuế. Song không một
giải pháp nào trong số đó có thể ngăn chặn tình trạng đổ vỡ niềm
tin. Các nhà đầu tư Pháp vẫn tiếp tục rút tiền của ra khỏi đất
nước.
Tháng Tư năm 1926, Pháp và Mỹ cuối cùng cũng đàm phán
thành công một thỏa thuận chốt nợ chiến tranh ở mức 40 cent trên
một đô-la. Ngân sách cũng đạt đến trạng thái cân bằng hoàn toàn.
Tuy vậy, đồng franc vẫn lao dốc không ngừng. Đến tháng Năm, tỷ
giá hối đoái đứng ở mức trên 30 franc ăn một đô-la.
Đồng tiền rơi tự do, giá cả thì tăng đều với tốc độ 2% một
tháng, hơn 25% một năm, và chính phủ rõ ràng đã bó tay bất lực, ai
ai cũng bắt đầu so sánh nước Pháp với tình hình tại nước Đức bốn
năm về trước. Song về thực chất, hai trường hợp này không có
mấy điểm chung. Nước Đức năm 1922 đã mất quyền kiểm soát
hoàn toàn đối với thâm hụt ngân sách của mình và chỉ trong vòng có
một năm đó thôi, đất nước này đã mở rộng cung tiền lên gấp mười
lần. Trái lại, người Pháp đã giải quyết tương đối triệt để các vấn
đề tài khóa của mình và cung tiền tại Pháp cũng được điều tiết
khá tốt.