để mỗi khi nước Pháp gặp cơn khủng hoảng tài chính. Một trong các
quan nhiếp chính bèn lên giọng tuyên bố hùng hồn rằng “chúng
ta là những người lính bảo vệ đồng franc và chúng ta sẽ quyết tử vì
nó.” Mùa đông và mùa xuân năm ấy, trên khắp các mặt báo nhan
nhản những bài viết về “cuộc chiến của đồng franc,” “trận Marne
tiền tệ ,” và “trận Verdun của đồng tiền .”
Rồi cũng đến lúc chính phủ quyết định phải làm gì đó thiết
thực hơn là chỉ trông chờ vào những lời ví von sặc mùi quân sự. Tướng
Joffre, “người hùng trận Marne,” khi ấy đã về hưu, được triệu hồi
và được giao trọng trách điều hành “Quỹ cứu đồng franc.” Quỹ này
đã gom được tổng cộng 19 triệu franc, tức là chưa đến 1 triệu đô-la,
bao gồm 1 triệu franc do Huân tước Basil Zaharoff, vị thương gia
chuyên buôn bán vũ khí nổi tiếng khắp cõi châu Âu, đóng góp và
100.000 franc từ tờ New York Herald, tiền thân của tờ
International Herald Tribune ngày nay.
Các nhà chức trách vẫn còn một vũ khí chưa dùng đến nhằm
phá vỡ vòng xoáy sụt giảm - kho dự trữ vàng trị giá hơn 1 tỷ đô-la của
Ngân hàng Trung ương Pháp, trong số đó khoảng 700 triệu đô-la
vàng đang nằm trong các két sắt tại Rue de la Vrillière, còn 300
triệu đô-la vàng còn lại đang được giữ ở nước ngoài trong kho của
Ngân hàng Trung ương Anh quốc.
Trong phần lớn quãng thời gian của lịch sử hiện đại, tính cả rất
nhiều năm thuộc về nửa cuối thế kỷ XX, vàng đã chiếm một vị
trí vô cùng thiêng liêng trong tâm linh người Pháp. Nó được sùng
kính đến nỗi suốt những năm tình trạng hỗn loạn tài chính hoành
hành, các quan nhiếp chính chưa bao giờ đành lòng động tới kho dự
trữ của mình. Có một thời điểm vào giữa cuộc chiến tranh, người
Anh đã cố gắng thuyết phục Ngân hàng Trung ương Pháp tận
dụng một phần trong số vàng của mình để phục vụ các chi phí
chiến tranh. Họ lập luận, tích cốc phòng cơ để làm gì, nếu chẳng