kiến Benjamin Strong, khi ấy đang ở London, để nài xin một khoản
vay trị giá 100 triệu đô-la từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York
và bị khước từ phũ phàng - luật định không cho phép ông cho chính
phủ Pháp vay tiền và ông cũng sẽ không cho Ngân hàng Trung ương
Pháp vay dù chỉ một đồng cho đến khi nào tất cả các bên liên
quan - chính phủ, các phe phái đối lập, bản thân Ngân hàng, và
quan trọng nhất, là giới chức ngành ngân hàng Pháp - chịu “[gác lại]
những cuộc gấu ó cãi vã” và chấp nhận hợp tác. Tại một cuộc họp tổ
chức sau đó tại Paris vào tháng Năm, khi các quan chức Pháp lại một
lần nữa xin vay tiền, Strong bèn nói thẳng với họ rằng khi nào họ
mất khả năng thanh toán, và ông cũng khá chắc chắn điều này sẽ
sớm trở thành sự thật, người Mỹ sẽ phải tự tay lôi những thỏi vàng dự
trữ được dùng làm vật đảm bảo ra khỏi các két sắt của Ngân hàng
Trung ương Pháp theo đúng nghĩa đen, mà nếu dám làm như vậy,
họ sẽ lập tức bị “lột da rồi kéo suốt từ đầu này sang đầu kia nước
Pháp.” Bị Cục Dự trữ Liên bang cự tuyệt, người Pháp đành chạy vạy
ngược xuôi, cố gắng tiếp cận tất cả các tập đoàn đầu tư mà mình
có thể nghĩ đến - Morgans, Kuhn Loeb và Dillon Read. Song tất
thảy đều giả điếc.
Ngày 15 tháng Sáu, vở “Ballet của các bộ” tiếp tục tuồng cũ soạn
lại, Joseph Caillaux trở về với ghế Bộ trưởng Tài chính, đánh dấu
lần thứ năm giữ vị trí này. Cuối cùng đến lần này ông đã sa thải
Robineau thành công, và Émile Moreau được mời ra kế nhiệm
Robineau. Caillaux bắt tay vào một cuộc thanh trừng triệt để bộ máy
quản trị cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Pháp, thay thế nó
bằng những người có tư tưởng thực dụng hơn cũng như không theo
đuổi các ý kiến trái chiều với chính phủ. Phó thống đốc Ernest
Picard thì khăn gói quả mướp dọn sang Ngân hàng Algeria, một
chốn lưu đày sang trọng và xứng đáng dành riêng cho các viên chức
bị thất sủng, và Charles Rist được đưa vào thế chỗ, ông là một giáo
sư luật học tại đại học Sorbonne và là một chuyên gia danh tiếng